Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải thiện sức đề kháng giúp trẻ khỏe mạnh hơn

Thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em rất dễ bị nhiễm bệnh. Khi mắc bệnh nếu không được chăm sóc và theo dõi cẩn thận, trẻ sẽ dễ bị bệnh nặng và nguy cơ tử vong rất cao vì hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi sức đề kháng còn rất yếu, hệ thống miễn dịch còn non nớt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những phương cách giúp cải thiện sức đề kháng cho trẻ.

Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý
Đối với trẻ nhỏ: Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ phòng tránh đáng kể những bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai, viêm màng não mủ, tiêu chảy cấp... chính nhờ lượng kháng thể dồi dào chỉ có trong sữa mẹ.
Đối với trẻ lớn: Nên chọn những loại thực phẩm hợp vệ sinh và giàu dinh dưỡng với số lượng thức ăn phù hợp với từng lứa tuổi trẻ như thịt, cá, trứng, sữa, yaourt, phô mai, dầu ăn… Đặc biệt là nguồn rau xanh đậm tự nhiên và trái cây tươi giàu vitamin như A, C, D, E, B1, B6, B12… nhiều khoáng chất như canxi, sắt, kẽm, magie, iode sẽ giúp tăng cường hoạt động hệ miễn dịch của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu Nhi khoa nhận thấy tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và các biến chứng quan trọng ở trẻ bị suy dinh dưỡng luôn cao gấp 2 lần so với trẻ có cân nặng bình thường.
 Tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Hoạt động thể lực
Đối với những trẻ lớn, nên cho trẻ tham gia các trò chơi vận động nhẹ nhàng như chơi banh, đạp xe đạp, đá banh ngoài trời, cầu tuột… Luyện tập thể lực thường xuyên sẽ có những tác động tích cực lên hệ miễn dịch của trẻ, giúp trẻ có một vóc dáng cân đối về sau, trẻ sẽ lanh lợi và thông minh hơn những trẻ ít vận động. Đồng thời, sự tiếp xúc với môi trường tự nhiên sẽ giúp cơ thể trẻ dần dần có được nguồn kháng thể tự nhiên là nguồn vũ khí quan trọng giúp trẻ đề kháng với bệnh tật.
Chú ý giấc ngủ
Khi ngủ, cơ thể trẻ sẽ diễn ra quá trình trao đổi chất, giúp các tế bào phát triển, máu được lưu thông dễ dàng sẽ giúp cho trẻ tăng cường sức khỏe nhanh chóng và cải thiện hệ miễn dịch. Việc tạo thói quen cho trẻ đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ thời gian là điều mà cha mẹ cần lưu ý để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ về thể lực và trí não. Thời gian ngủ của trẻ có thể tham khảo như sau:
- Trẻ sơ sinh nên ngủ từ 15,5 - 18 giờ mỗi ngày.
- Trẻ 3 - 11 tháng tuổi nên ngủ từ 9 - 12 giờ ban đêm và khoảng 2 - 4 giờ ban ngày.
- Trẻ 1 - 3 tuổi nên ngủ khoảng 12 - 14 giờ.
- Trẻ 3 - 5 tuổi nên ngủ từ 12 - 13 giờ.
- Trẻ 5 - 12 tuổi nên ngủ từ 10 - 11 giờ.
Tạo thói quen giữ vệ sinh thân thể tốt
Chỉ với một thói quen đơn giản là nhắc trẻ cần rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh có thể giúp trẻ phòng tránh vô số những bệnh truyền nhiễm qua đường tay - miệng như bệnh tiêu chảy cấp, bệnh viêm gan siêu vi A, bệnh tay - chân - miệng, nhiễm giun sán, nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm đường ruột… Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “việc rửa tay thường xuyên với xà phòng có thể ngăn chặn được 47% các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp”.
Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch
The báo cáo của WHO, hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chiếm hơn 50% bao gồm các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tiêu chảy, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm HIV/AIDS…
Rất may cho trẻ em là đến thời điểm hiện tại, hầu hết các loại bệnh lý này đã có sẵn thuốc chủng ngừa (vaccine) một cách hiệu quả và an toàn. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng hiệu quả hoạt động hệ thống miễn dịch giúp trẻ phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm cũng như ngăn ngừa những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.