Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thêm “áo giáp bảo vệ blouse trắng” trước nạn hành hung gia tăng

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình trạng hành hung nhân viên y tế, bác sĩ liên tiếp xảy ra. Đáng nói, những vụ việc đều xảy ra ở khoa cấp cứu - nơi nhân viên y tế chiến đấu để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Vấn nạn này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía để có thêm “chiếc áo giáp bảo vệ blouse trắng” trước tình trạng này. 

Gia tăng tình trạng hành hung nhân viên y tế

Những ngày qua, nhiều vụ hành hung nhân viên y tế trong BV được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Như vụ một nhân viên y tế ở Trạm Y tế xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã bị nhóm người “tác động vật lý” vào vùng bụng, ngực, mặt và đầu đến mức phải nhập viện cấp cứu; vụ hành hung bác sĩ tại đơn vị Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Mới đây, vụ việc điều dưỡng tại TTYT huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ bị chính người cha đang lo lắng cho con hành hung ngay trong phòng cấp cứu lan truyền khiến nhiều người bức xúc. Hay đó là hình ảnh nhân viên y tế BV Đa khoa Nam Định hứng chịu những cú đánh như trời giáng liên tiếp vào đầu khi đang làm nhiệm vụ. Tất cả vẽ nên một bức tranh nhức nhối về sự khủng hoảng trong mối quan hệ giữa người cứu mạng và cộng đồng.

Công an tỉnh Phú Thọ làm việc với TTYT huyện Thanh Ba liên quan đến vụ việc hành vi xâm hại đến sức khỏe của nhân viên y tế trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ.

Đây không phải lần đầu xảy ra, song những vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế ngay tại khoa (phòng) cấp cứu ở các cơ sở y tế tiếp tục khiến dư luận bức xúc. Các bác sĩ chịu không ít áp lực khi số lượng người bệnh luôn quá tải, môi trường làm việc căng thẳng và có thể phát sinh những sự việc khó lường.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức Nguyễn Mạnh Khánh cho rằng, không chỉ là vấn đề bảo vệ các nhân viên y tế, việc bảo vệ an ninh, an toàn tài sản cho người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng được chú trọng. BV không chỉ bố trí nhân viên bảo vệ trực 24/24 giờ tại tất cả cửa khoa phòng, tòa nhà, còn có hệ thống camera giám sát, cửa tự động; nút báo bấm khẩn cấp tại phòng khám; chuẩn bị phương án giả định các tình huống có thể xảy ra. BV cũng lưu ý quy trình tiếp nhận bệnh nhân, thái độ giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế; bố trí y bác sĩ tiếp nhận người bệnh ngay từ cổng BV, không để người nhà, người bệnh bức xúc hoặc hành hung nhân viên y tế ngay trong BV.

“Nhằm giảm bớt nguy cơ phát sinh sự cố giữa bệnh nhân, người nhà với nhân viên y tế, BV cũng đã áp dụng quy định chỉ cho phép 1 người nhà đi kèm người bệnh vào cấp cứu. Với số lượng bệnh nhân tăng lên có khi gấp đôi, gấp 3, còn nhân viên chỉ cố định. Nếu không có giải pháp tăng số người ở kíp trực lên thì không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Đây có thể là yếu tố khiến người bệnh, người nhà bệnh nhân cảm thấy bức xúc” – bác sĩ Phạm Hải Bằng, Trưởng khoa Khám bệnh; Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, BV Hữu nghị Việt Đức cho hay.

Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị, để giảm thiểu tình trạng người nhà bệnh nhân gây áp lực với nhân viên y tế tại các khu cấp cứu, quy trình cấp cứu cần rõ ràng, minh bạc. Mức độ cấp cứu cần được dán tại các cửa khu vực cấp cứu để người nhà bệnh nhân có thể biết được tình trạng nào là cấp cứu khẩn cấp hay trì hoãn. Bên cạnh công tác tuyên truyền, cơ quan chức năng, cơ sở y tế cần lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm các trường hợp quá khích, gây áp lực, hành hung nhân viên y tế.

Cần một giải pháp đồng bộ

Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để ngăn chặn những sự việc tương tự là cần có một đạo luật cụ thể nhằm chống lại bạo lực, hành hung nhân viên y tế. Để ngăn chặn tình trạng hành hung nhân viên y tế, cơ quan chức năng cần có giải pháp, đấu tranh nhằm nâng cao chất lượng phòng cấp cứu hồi sức; xây dựng quy trình cấp cứu hồi sức theo nguồn lực của mỗi tuyến, thậm chí mỗi BV. Đơn cử như khoa Cấp cứu ở BV huyện có hay không có máy chụp cắt lớp, chắc chắn quy trình sẽ khác nhau. Để phòng cấp cứu bình an, pháp luật cần nghiêm trị những đối tượng côn đồ vẫn lộng hành ở nơi mà sự sống và cái chết cận kề gang tấc.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế Hà Anh Đức cho biết, lĩnh vực KCB vốn mang nhiều áp lực, mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt KCB, bình quân mỗi ngày có hàng trăm nghìn người được chữa bệnh. Có những BV rất đông, có những ngày lượt khám đến gần chục nghìn người, trong khi, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực y tế có lúc có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.

Người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế BV Đa khoa Nam Định. Ảnh: Cắt từ video clip.

Cùng đó, tâm lý người bệnh muốn được khám nhanh, kỹ lưỡng, cộng thêm số lượng bệnh nhân quá lớn, với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về dịch vụ y tế cũng tạo áp lực nặng nề lên nhân viên y tế. Đây cũng là tình huống có thể khiến người bệnh, người nhà chưa hài lòng như cách họ mong muốn. Thực tế, câu chuyện tiền viện phí cũng là yếu tố có thể gây căng thẳng.

Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết, hiện nay đã có nhiều quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, ứng xử trong môi trường y tế, từ luật, nghị định, thông tư đến các quy chế nội bộ; mục tiêu là xây dựng mô hình lấy người bệnh làm trung tâm. Người bệnh được tôn trọng, được thăm khám, điều trị. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, với những áp lực hiện tại, ngành y tế cũng mong được thấu hiểu và chia sẻ để đảm bảo hoạt động KCB diễn ra hiệu quả.

Đặc biệt, từ năm 2014, Bộ Y tế đã ký quy chế phối hợp với Bộ Công an liên quan đến việc đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế. Ngành cũng đề xuất các giám đốc BV tăng cường hành lang bảo vệ tại khu vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo và tham mưu cho Chính phủ, hoặc trong phạm vi quyền hạn của Bộ trưởng, ban hành các chính sách cụ thể để bảo vệ nhân viên y tế.

“Mục tiêu sắp tới là giảm tối đa các áp lực không đáng có cho cả nhân viên y tế và người bệnh, muốn vậy, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước hết, quy trình đón tiếp tại các cơ sở y tế cần chuyên nghiệp hơn để giảm căng thẳng ban đầu. Cán bộ y tế cần được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng phải thật sự kịp thời và hiệu quả.

Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi vẫn là người bệnh. Mọi chính sách, giải pháp đều phải hướng đến việc lấy người bệnh làm trung tâm. Riêng về cơ chế tài chính, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo sự thông thoáng, giảm bớt rào cản cho người bệnh” - Cục trưởng Cục Quản lý KCB nhấn mạnh.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Dù nguyên nhân là gì, hành vi hành hung nhân viên y tế, đặc biệt khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người, hoàn toàn không thể chấp nhận được. Dù ai sai ai đúng, thì khi bác sĩ đang làm nhiệm vụ chuyên môn, phải đảm bảo an toàn để họ hoàn thành công việc. Ngay sau khi xảy ra các sự việc, Cục Quản lý KCB đã chỉ đạo chấn chỉnh trong toàn ngành, yêu cầu các Sở Y tế làm việc ngay với cơ quan Công an để đảm bảo an ninh, bảo vệ nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ cứu người.

Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế Hà Anh Đức

Vụ hành hung nhân viên y tế: cần xử lý nghiêm

Vụ hành hung nhân viên y tế: cần xử lý nghiêm

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói gì sau hàng loạt vụ hành hung nhân viên y tế?

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói gì sau hàng loạt vụ hành hung nhân viên y tế?

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
BHXH Khu vực I: chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao

BHXH Khu vực I: chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao

11 May, 05:54 PM

Kinhtedothi - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Khu vực I Nguyễn Ngọc Huyến cho biết, thời gian qua, BHXH Khu vực I tập trung khai thác, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) để người dân có thể tiếp cận chính sách an sinh xã hội khi rủi ro đau ốm, bệnh tật.

Đưa AI vào hoạt động khám chữa bệnh tình nguyện tại cộng đồng

Đưa AI vào hoạt động khám chữa bệnh tình nguyện tại cộng đồng

10 May, 03:50 PM

Kinhtedothi - Ngày 10/5, tại tỉnh Hưng Yên đã diễn ra Lễ ra quân Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2025; tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ XI với chủ đề Thầy thuốc trẻ xung kích, vươn mình trong kỷ nguyên số.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ