Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm dùng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình: Quy định không thực tế

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Đáng chú ý, một trong những đề xuất trong dự thảo này là chỉ cơ quan chức năng chuyên trách mới được sử dụng thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình...
Hạn chế hoạt động tác nghiệp của nhà báo
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 4 dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
 Ảnh minh họa
Tại Khoản 6 Điều 5 của dự thảo cũng nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Xung quanh đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, rất nhiều vụ việc tham nhũng được phanh phui nhờ vào sự tố giác của Nhân dân, của báo chí truyền thông và hầu như đều phải có các chứng cứ file ghi âm, ghi hình và không ít trong số đó được thực hiện dưới hình thức giấu kín, ngụy trang. Việc tố cáo không có căn cứ (do không được sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình đặc thù) của người dân đối với các tội danh tham nhũng sẽ bị rơi vào trường hợp vi phạm tội “vu khống” hoặc có thể sẽ bị xử lý hình sự.
Đặc biệt, đội ngũ phóng viên, nhà báo hoạt động tác nghiệp điều tra buộc phải sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để có bằng chứng thuyết phục. Thậm chí, có những trường hợp phải bí mật cần ngụy trang các thiết bị ghi âm, ghi hình. Nếu quy định chỉ có cơ quan chuyên trách mới được sử dụng thì vô hình chung sẽ hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí. Nếu bị cấm đoán trong Nghị định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tác nghiệp của các nhà báo.
Quản lý kinh doanh, đâu phải quản lý sử dụng?
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho rằng, dự thảo quy định cấm công dân không được sử dụng các thiết bị đó với mục đích hợp pháp là một quy định trái với Hiến pháp. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Việc sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống hoặc thực hiện những mục đích tốt đẹp trong việc đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật góp phần xây dựng đất nước là trách nhiệm của công dân theo tinh thần của Hiến pháp và quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự và trách nhiệm đấu tranh phòng chống các loại tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự. “Nếu công dân nào lợi dụng các phương tiện này với mục đích trái pháp luật, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì luật pháp đã có các chế tài áp dụng xử lý tương ứng” - luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.
Về đề xuất nêu trong dự thảo Nghị định, TS Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng khoa Luật sư (Học viện Tư pháp) đánh giá, đề xuất này không thuộc phạm vi cấm mà Nghị định cấm là không được. Nghị định là văn bản dưới luật, phải phục tùng luật, chứ không được ngang và vượt luật. “Theo Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” - TS Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Các chuyên gia luật cũng kiến nghị, dự thảo có phạm vi điều chỉnh về điều kiện kinh doanh nhưng lại “gom” cả người sử dụng vào là vượt phạm vi và thẩm quyền của Chính phủ. Ban soạn thảo cần xem xét lại đề xuất trong dự thảo, bởi hiện nay, các quy định về xâm phạm bí mật đời tư hoặc xâm phạm đến an ninh quốc gia đã có các luật khác điều chỉnh.
Tại Hội nghị giao ban công tác thông tin, tuyên truyền giữa Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam với lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội diễn ra ngày 12/4, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan báo chí bày tỏ quan điểm vấn đề sử dụng các thiết bị nghe, nhìn đối với hoạt động báo chí. Đề nghị các ban chuyên môn của MTTQ Việt Nam rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như quy định quốc tế, để trên cơ sở đó, Mặt trận sẽ có kiến nghị về vấn đề này với Chính phủ.

Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ họp với đại diện các bộ, ngành liên quan để cho ý kiến, thẩm định dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng.