Cảm xúc tháng Mười!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lớp hậu sinh, tháng 10 thường chỉ được nhắc đến với hương hoàng lan, hương hoa sữa, đến vị cốm làng Vòng, với tiết Thu dịu ngọt nắng mật ong.

Và từ lâu, ở Hà Nội - tháng 10 cũng đồng nghĩa với sự bắt đầu mùa cưới “mùa chim làm tổ”… Cũng chỉ cần từng ấy “nguyên liệu” thôi, đã đủ cảm hứng cho thơ ca, nghệ thuật. Nhưng trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ muốn nhắc đến một vài ca khúc về tháng 10 của Thủ đô.
Khúc tiên tri

“Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “tiên tri” viết về ngày Giải phóng Thủ đô. Nói “tiên tri” bởi ca khúc được sáng tác vào năm 1949, tức là ra đời trước 5 năm khi Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Theo nhiều người yêu nhạc, “Tiến về Hà Nội” được xem như một bài hát mang tính dự báo về ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng sự “tiên tri” này lại trùng khớp một cách kỳ lạ với những gì đã diễn ra sau đó. Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản và hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng” tiến về Hà Nội đẹp không khác gì lời bài hát mà nhạc Văn Cao đã viết từ trước đó: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội và các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành càng “đúng như in” với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã hình dung. "Tiến về Hà Nội" là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác, đây là một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Một lời tiên đoán đúng đến từng giây từng phút về Ngày Giải phóng Thủ đô, sau khi bài hát ra đời 5 năm.

“Tiến về Hà Nội” thường được hát vang trên những con đường Thủ đô trong Ngày Giải phóng 10/10, trong những năm tháng "mịt mù bão lửa" cho đến "một thời hòa bình". "Tiến về Hà Nội" vẫn tràn sức sống cho tới tận ngày nay, bởi nó mang lại cho người nghe một cảm giác lạc quan tin tưởng và hạnh phúc khó tả.

Bức tranh cảm xúc

Sau “Tiến về Hà Nội”, “Cảm xúc tháng mười” (nhạc Nguyễn Thành – lời thơ Tạ Hữu Yên), lại là nét nhạc thể hiện chiều sâu cảm xúc: “Không thể nói trời không trong hơn. Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân kéo về mùa Thu ấy. Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”.

Tuy ra đời sau “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, nhưng mỗi khi cất lên, “Cảm xúc tháng mười”, đem đến cho người nghe cái rưng rưng của tình người, tình mẹ con sau bao năm kháng chiến – kẻ mất người còn. Cảm xúc chiến thắng của những đoàn quân trùng điệp tiến về giải phóng Thủ đô nhường lại cho nỗi xúc động đi vào chiều sâu: “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt. Xốn xang mẹ thầm gọi các con. Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ. Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”. Những kỷ niệm của tháng 12/1948, quân ta rút khỏi Thủ đô, khỏi vòng vây quân Pháp để bảo toàn lực lượng. Cái đêm rút lui thần kỳ ấy đã để lại niềm tin hát khúc khải hoàn: “Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu. Anh đã hẹn ngày mai trở lại. Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi. Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca”. Mùa Thu chiến thắng, năm cửa ô Hà Nội lại trong xanh, rộng mở đón đàn con trở về. Nhịp điệu âm nhạc trong bài ca đã nhanh hơn, rộn ràng hơn. Nó chuyển động như nhịp thở của thơ, khi còn vương vấn những xúc cảm của ký ức, cảm xúc như được nhân đôi trong lâng lâng và say đắm: “Một sớm thu trong đất thắm sao vàng. Năm cửa ô xòe năm cánh rộng. Đoàn quân về nhấp nhô như sóng. Những ngôi nhà dường muốn cao thêm. Tháng Mười ấy là khúc ca say. Khúc ca mở những chiến công đầy Ôi Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Nghìn năm vẫn một trái tim này…”.

Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội”, “Cảm xúc tháng mười”, vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của hai ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Những bài hát này như đã trở thành một “khúc ca khải hoàn” của người Hà Nội trong ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Chỉ tiếc rằng, lớp trẻ ngày nay không ít người chỉ mải mê với trào lưu nhạc Hàn, nhạc Nhật mà quên đi (?) “Cảm xúc tháng mười”, “Tiến về Hà Nội”, 2 ca khúc đã “đóng đinh” vào dấu ấn lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần