Hoàn thành kê khai tài sản trước ngày 31/3
Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các cơ quan được yêu cầu lập danh sách cán bộ, công chức, sĩ quan công an, quân đội và người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, DN Nhà nước... để thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. Người có nghĩa vụ kê khai nộp 2 bản cho tổ chức và phải hoàn thành trước ngày 31/3. Số người phải kê khai lần đầu khoảng 3,5 đến 4 triệu người.Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài... Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hiệu lực vào 20/12/2020. Nhưng vì tính chất phức tạp, số lượng người phải kê khai nhiều, có nhiều điểm mới nên được triển khai từ đầu năm 2021. Theo quy định hiện hành, việc kê khai tài sản, thu nhập gồm kê khai lần đầu áp dụng cho những người trong danh sách nêu trên; kê khai bổ sung được thực hiện khi xuất hiện biến động về tài sản, thu nhập trong năm giá trị từ 300 triệu đồng trở lên; kê khai hằng năm được thực hiện đối với những người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên (diện thu hẹp hơn so với kê khai lần đầu); và kê khai phục vụ công tác cán bộ...Hiệu quả trong công tác quản lý Trả lời báo chí, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, cùng với việc hướng dẫn, đôn đốc, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra đối với một số bộ, ngành, địa phương để đánh giá nơi nào làm tốt hoặc chưa tốt và thúc đẩy việc thực hiện. Đợt này chỉ thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. Sau đó, việc kê khai hàng năm, kê khai bổ sung của năm 2021 sẽ thực hiện vào cuối năm; bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12. Các cơ quan có trách nhiệm rà soát, lập danh sách đầy đủ những người phải kê khai lần đầu để tránh bỏ lọt; tổ chức kê khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định; rà soát nội dung bản kê khai để bảo đảm làm đúng mẫu, đúng hướng dẫn; các trường hợp làm chưa đúng, chưa đầy đủ sẽ phải kê khai lại.Theo các chuyên gia pháp luật, kê khai tài sản, thu nhập là một trong những hoạt động để thực hiện phòng ngừa tham nhũng theo các quy định của pháp luật. Nội dung này được quy định từ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, có nhiều nội dung sửa đổi bổ sung để tăng cường tính hiệu quả trong công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa tham nhũng. Kê khai tài sản thu nhập chỉ là một trong những thủ tục, hoạt động đầu tiên trong các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Trong trường hợp kê khai không trung thực, phát hiện ra có nghi vấn thì có thể tiến hành thủ tục xác minh về tài sản. Trường hợp xác minh phát hiện có sai phạm phải xem xét xử lý, truy tìm nguồn gốc tài sản; nếu phát hiện ra hành vi tham nhũng, rửa tiền, tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật. Việc kê khai tài sản thu nhập chỉ thực sự có hiệu quả, có ý nghĩa khi quản lý, minh bạch được các loại tài sản, xử lý nghiêm hành vi cho mượn tài khoản ngân hàng, cũng như với những hiện tượng đứng tên hộ, đứng tên giùm đối với bất động sản và các tài sản có đăng ký quyền sở hữu khác.3 mục tiêu đấu tranh với tham nhũng đạt hiệu quảTrao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng là xuất phát từ vấn đề xuống cấp đạo đức của người có chức vụ quyền hạn; nhu cầu về vật chất của họ lấn át đạo đức công vụ, những cám dỗ về vật chất mà họ không vượt qua nổi; sự yếu kém trong quản lý kinh tế và những cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ dẫn đến tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các hành vi tham nhũng xảy ra... Bởi vậy các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng là hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn. Lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cán bộ; nêu cao trách nhiệm của người có chức vụ quyền hạn và xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ tài sản, công khai minh bạch và quản lý kinh tế hiện đại khoa học.Để đấu tranh với tham nhũng đạt hiệu quả thì phải thực hiện được đồng thời 3 mục tiêu: Thứ nhất là làm sao để người có chức vụ, quyền hạn - Chủ thể của tội phạm tham nhũng “không muốn tham nhũng”. Khi nhu cầu tham nhũng không còn, nguy cơ tham nhũng sẽ bị triệt tiêu hoặc giảm đi đáng kể. Để cho người có chức vụ, quyền hạn không muốn tham nhũng thì phải cải tiền lương, tạo điều kiện vật chất tinh thần cho người có chức vụ, quyền hạn.Thứ hai là làm sao để người có chức vụ, quyền hạn “không thể tham nhũng” bằng cách tăng cường quản lý kinh tế chặt chẽ, ứng dụng khoa học, tăng cường cơ chế quản lý tài sản khiến tài sản tham nhũng không có chỗ để tiêu thụ (nhà đất phải chính chủ, những người trẻ tuổi hoặc thu nhập thấp mà đứng tên tài sản lớn thì truy xuất nguồn gốc số tiền mua, không giải trình được thì thu hồi, khởi tố. Ít sử dụng tiền mặt, mỗi cá nhân chỉ được sử dụng 1-2 tài khoản ngân hàng. Tiền trong tài khoản tăng lên mà không giải trình được thì thu hồi, khởi tố....). Thứ ba, là làm sao để người có chức vụ, quyền hạn “không dám tham nhũng”: Đó là cách mà chúng ta đang làm hiện nay, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh người thực hiện 12 hành vi tham nhũng được liệt kê trong Luật Phòng chống tham nhũng. Phải thực hiện đồng thời 3 mục tiêu này thì mới chống tham nhũng hiệu quả.
Để đấu tranh với tham nhũng đạt hiệu quả thì phải làm sao để người có chức vụ, quyền hạn - Chủ thể của tội phạm tham nhũng “không muốn tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”. Phải thực hiện đồng thời 3 mục tiêu này thì mới chống tham nhũng hiệu quả. Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp Đặng Văn Cường |
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền chủ động xác minh, có thể dựa vào tố cáo, theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác cán bộ. Thậm chí, khi thấy có dấu hiệu rõ ràng về sự không trung thực, dĩ nhiên cơ quan này có quyền đặt câu hỏi và cần thiết thì quyết định tiến hành xác minh. Ngoài ra, có một hình thức nữa là xác minh ngẫu nhiên.Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ Đinh Văn Minh |