Cán bộ Mặt trận cơ sở mong được quan tâm hơn về chế độ chính sách

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Từ thực tế công việc trên địa bàn, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ và đại diện MTTQ phường, cán bộ MTTQ cơ sở đã nêu không ít khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị liên quan việc thực hiện cơ chế, chính sách, điều kiện công tác, hoạt động của Mặt trận.

Hôm nay, 5/4, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ về triển khai thực hiện chương trình công tác Mặt trận năm 2023.

Dự buổi làm việc có lãnh đạo các ban, Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; lãnh đạo quận Tây Hồ, đại diện MTTQ một số phường và cán bộ cơ sở trên địa bàn...

Hoạt động Mặt trận ở cơ sở còn nhiều khó khăn

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo cho biết, các nhiệm vụ năm 2023 được được MTTQ các cấp của quận thể chế hóa bằng kế hoạch, chương trình, đảm bảo chất lượng, tiến độ, có đánh giá, kết luận từng nội dung công việc. Hết quý I, dù thời gian chưa nhiều nhưng Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ và hệ thống Mặt trận các cấp toàn quận đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ đều đảm bảo yêu cầu, kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc

Mặc dù vậy, từ thực tế công việc trên địa bàn, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ và đại diện lãnh đạo MTTQ phường cũng như cán bộ MTTQ cơ sở thuộc quận đã nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị liên quan việc thực hiện cơ chế, chính sách, điều kiện công tác, hoạt động của Mặt trận.

Cụ thể, về bộ máy MTTQ Việt Nam quận, phường nhiệm kỳ 2019-2024, sau Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp quận Tây Hồ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận và 100% Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đều là Ủy viên Thường vụ cấp ủy cùng cấp. Cấp Quận ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam quận có 55 vị, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận có 5 vị, Ủy ban MTTQ quận có 2 ban tư vấn với 14 thành viên. Các phường nhiệm kỳ 2019-2024 có 31 - 47 vị (tổng số 292 vị) và 108 Ban CTMT.

Trong năm 2022, MTTQ Việt Nam quận đã kiện toàn, bổ sung 2 Phó chủ tịch đều là cấp trưởng các đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, công tác chính quyền về tăng cường; đầu năm nay tiếp tục được Ban Thường vụ Quận ủy điều động bổ sung 1 cán bộ Văn phòng về làm việc tại cơ quan MTTQ quận, đưa tổng số biên chế 6 người. Năm 2023, được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn quận cũng đã được cấp ngân sách theo đúng quy định, bổ sung ngân sách nếu có nội dung phát sinh; mỗi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường được chi 12 triệu/năm cho công tác thanh tra Nhân dân và 10 triệu/năm cho công tác giám sát đầu tư của cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo trao đổi về tình hình thực hiện công tác Mặt trận các cấp tại quận
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo trao đổi về tình hình thực hiện công tác Mặt trận các cấp tại quận

“Tuy nhiên, do thực hiện Đề án 21-ĐA/TU của Thành ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường hiện chỉ có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường là chuyên trách, còn lại các ủy viên thường trực khác đều là kiêm nhiệm, trong đó có đơn vị kiêm 3 vai, nhưng kinh phí chỉ được chi 1 chức danh và chức danh kiêm được 50%. Vì vậy, MTTQ Việt Nam các phường gặp nhiều khó khăn trong triển khai hoạt động công tác Mặt trận”- ông Trần Quang Đạo nhấn mạnh.

Chú trọng nắm chắc dư luận Nhân dân trong vùng thực hiện dự án

Từ thực tế hoạt động hiện nay của công tác Mặt trận ở cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ kiến nghị cấp trên nghiên cứu để bố trí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT hoặc Tổ trưởng dân phố nên để 3 người 3 chức danh riêng (Bí thư chi bộ, Trưởng ban CTMT, Tổ trưởng dân phố) và nâng hệ số phụ cấp. Số người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường sau thực hiện Đề án 21-ĐA/TU sắp xếp 7 cán bộ kiêm nhiệm trên 10 chức danh không chuyên trách là không phù hợp, nên đề nghị sắp xếp lại 10/10 chức danh; chức danh Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường nên là chức danh độc lập.

Đáng chú ý, để phù hợp với chính quyền đô thị, cán bộ chuyên trách của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH cấp phường rất mong sớm được chuyển đổi là công chức; đồng thời cần bổ sung chức danh cán bộ Văn phòng Đảng ủy là công chức.

Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT địa bàn dân cư số 2 phường Bưởi (quận Tây Hồ) Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của Mặt trận tại địa bàn dân cư
Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT địa bàn dân cư số 2 phường Bưởi (quận Tây Hồ) Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của Mặt trận tại địa bàn dân cư

Cùng chia sẻ khó khăn trong vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT địa bàn dân cư số 2 phường Bưởi cũng đề xuất cần có 3 chức danh riêng biệt là Bí thư chi bộ, Trưởng ban CTMT, Tổ trưởng dân phố. Bởi, đào tạo một cán bộ ở địa bàn dân cư vừa làm được công tác bí thư vừa làm được CTMT đòi hỏi một quá trình, nên chức danh Phó Bí thư chi bộ hiện nay cần được bố trí kiêm làm Trưởng ban CTMT theo hướng đào tạo cán bộ để thay thế cho Bí thư. Như thế, cán bộ này sẽ vừa có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo vừa có kinh nghiệm trong tổ chức công tác Mặt trận, để đến khi Bí thư chi bộ về nghỉ thì Phó bí thư lên thay đảm nhận chức năng Bí thư trong vấn đề lãnh đạo sẽ rất tốt, vì hiện nay ở cơ sở, hầu hết Phó bí thư sẽ thay khi Bí thư chi bộ về nghỉ.

“Cán bộ cơ sở cần được bồi dưỡng làm sao đáp ứng yêu cầu cả về công tác Đảng và công tác Mặt trận, khi thực tế nhiều năm qua công tác Mặt trận có vai trò hết sức quan trọng, tổ chức triển khai vận động tuyên truyền ở địa bàn dân cư rất có hiệu quả”- ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thụy Khuê Huỳnh Thị Hải Yến  kiến nghị, TP có sự quan tâm hơn tới các đồng chí phó ban CTMT, bởi hiện nay việc kiện toàn và ra quyết định thành lập Ban CTMT không có quyết định riêng cho Trưởng ban hay Phó ban CTMT mà quyết định chung cho 9 - 11 thành viên trong Ban đó.

“Để giúp hoạt động của Ban CTMT được hiệu quả, cần có một khoản phụ cấp nào đó cho chức danh Phó ban CTMT, dù nhỏ thôi nhưng cũng có tác dụng động viên để cán bộ này hỗ trợ tốt hơn cho đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT”- bà Huỳnh Thị Hải Yến đề xuất.  

Quang cảnh buổi làm việc của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tại quận Tây Hồ
Quang cảnh buổi làm việc của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tại quận Tây Hồ

Lắng nghe các ý kiến, chia sẻ với những khó khăn và ghi nhận kiến nghị cụ thể của lãnh đạo quận Tây Hồ và các cán bộ cơ sở, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cũng biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của MTTQ các cấp tại quận.

Từ đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị thời gian tới, MTTQ các cấp quận Tây Hồ tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các chương trình, kế hoạch đã được cấp ủy, Mặt trận các cấp phê duyệt, nhằm tạo không khí, nâng cao chất lượng hoạt động. Các hoạt động cần gắn chặt với thực hiện các phong trào thi đua; hoạt động giám sát, phản biện, nhất là giám sát cán bộ đảng viên ở nơi cư trú và hoạt động của các ban Thanh tra Nhân dân, ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần được thực hiện tốt hơn nữa.

"Đặc biệt, Mặt trận cần tiếp tục chú trọng nắm chắc tình hình dư luận Nhân dân, nhất là người dân trong vùng thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng, để không nảy sinh các điểm nóng, trong đó phải phát huy vai trò của hệ thống cộng tác viên dư luận để thực hiện tốt nhất hoạt động này. Song song đó, MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ lưu ý tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn 2 nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị và lấy ý kiến hài lòng của Nhân dân về xây dựng phường văn minh đô thị; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để Đại hội Mặt trận các cấp trên địa bàn thành công tốt đẹp”- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP nêu rõ.