Cán bộ phụ nữ tham gia hòa giải ở cơ sở: Hóa giải mâu thuẫn, kết chặt tình cảm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã triển khai những cách làm mới, mô hình hay trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải cơ sở. Nhờ đó, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.

 Hoạt động hòa giải ở cơ sở của các cấp Hội phụ nữ đã hỗ trợ, giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Trần Thảo
Từng bước đi vào cuộc sống

Thông qua các hoạt động phối hợp kiểm tra, giám sát gián tiếp ở cơ sở, việc tuyên truyền, triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở được các cấp Hội phụ nữ huyện Thạch Thất phối hợp triển khai đồng bộ, từng bước đi vào cuộc sống. Theo đó, 5 năm qua, 198 tổ hòa giải trên địa bàn huyện với 1.417 hòa giải viên (với 461 nữ hòa giải viên) đã tham gia hòa giải thành 1.306/1.713 vụ đạt 76,2%, chủ yếu là các vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn làng xóm, gia đình, vợ chồng… Tại cơ sở đã có nhiều mô hình, câu lạc bộ được triển khai, trong đó 4 CLB phòng, chống bạo lực gia đình, 15 tổ phụ nữ tuyên truyền pháp luật, 108 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc… Cùng với đó, 68 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” cũng góp phần thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, ổn định tâm lý trong cuộc sống của người dân, phụ nữ.
Trên địa bàn TP có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên, trong đó có 13.518 nữ hòa giải viên. Trong 5 năm qua, các tổ hòa giải và nữ hòa giải viên tiếp nhận, hòa giải thành 6.642/5.785 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,09%.

Cũng trong thời gian trên, nhờ làm tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác hỗ trợ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, các cấp Hội phụ nữ huyện Hoài Đức đã phối hợp tham gia hòa giải thành 948 vụ việc, đạt 72%. Đặc biệt, nhờ mô hình "Tổ hòa giải 5 tốt" tại địa phương, với 1.010 hòa giải viên, trong đó, có 358 cán bộ hội phụ nữ hoạt động ngày càng hiệu quả nên các vụ việc mâu thuẫn được phát hiện kịp thời, hòa giải khi mới phát sinh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các cấp Hội phụ nữ, để công tác hòa giải cơ sở và mô hình "Tổ hòa giải 5 tốt" hoạt động hiệu quả, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Bố trí kinh phí cho công tác hòa giải nhằm khuyến khích, động viên các hòa giải viên. Lựa chọn những người có đủ uy tín, kinh nghiệm, lòng nhiệt tình tham gia tổ hòa giải. Kịp thời nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong công tác hòa giải và những hòa giải viên giỏi để các cấp hội học tập và phát huy năng lực.…

Hỗ trợ, giải quyết nhiều vụ việc về phụ nữ

Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, các cấp hội đã bám sát chỉ đạo của TP, tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện các quy định về hòa giải ở cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, tổ chức hơn 3.200 buổi tập huấn, tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cho gần 485.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ; phát 2.250 cuốn Luật Hòa giải ở cơ sở. Thành lập 1.883 địa chỉ tin cậy, hòa giải được 7.694 vụ việc mâu thuẫn gia đình; xây dựng 413 tủ sách, ngăn sách pháp luật do phụ nữ quản lý và sử dụng; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hơn 111.000 lượt người, gần 7.700 vụ việc được tư vấn trực tiếp.

Các cấp hội triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải cơ sở. Đặc biệt, tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện, hỗ trợ trong giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Từ đó, xuất hiện nhiều gương điển hình góp phần đề cao giá trị nhân văn, ý nghĩa cao đẹp của công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, gắn kết hạnh phúc cho nhiều gia đình, tình làng nghĩa xóm hòa thuận, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự tại địa phương.