Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nan giải vấn đề khan hiếm nước sinh hoạt ở thị trấn du lịch Tam Đảo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề khan hiếm nước sinh hoạt tại thị trấn Tam Đảo, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, đặc biệt là trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khi triển khai dự án.

Giá nước sinh hoạt quá cao

Thị trấn Tam Đảo có 2 tổ dân cư,  trong đó toàn bộ tổ dân cư số 1 với khoảng 100 hộ đã sử dụng nước sạch cho sinh hoạt từ nhiều năm trước. Tổ dân cư số 2 với hơn 100 hộ dân hiện cũng đã có nhiều gia đình đăng ký sử dụng nước sạch từ dự án cung cấp nước sạch của Công ty Cổ phần cấp thoát nước số 1 tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài các khách hàng là cư dân, thì còn nhiều hộ kinh doanh dịch vụ từ nơi khác đến thị trấn này hoạt động cũng đăng ký sử dụng nước sạch. Tổng cộng có khoảng 300 khách hàng ở thị trấn Tam Đảo (cả cư dân và hộ kinh doanh) đang đăng ký sử dụng nước sạch với Công ty Cổ phần cấp thoát nước số 1 tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo ông Trần Duy Thập - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc cho biết, dự án câp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Tam Đảo hiện có công suất thiết kế 2.600m3/ngày đêm.

"Với thiết kế này thừa sức phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của cư dân trên địa bàn thị trấn (dự kiến đên năm 2030 đủ sức phục vụ khoảng hơn 200 hộ, và hơn 300 khách sạn, nhà nghỉ với khoảng 7.000 phòng). Ở thời điểm hiện tại cao nhất nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ở thị trấn cũng mới chỉ ở mức 1.600m3/ngày đêm (so với công suất thiết kế là 2.600m3/đêm). Tuy nhiên, việc thiếu nước sinh hoạt đang xảy ra như hiện tại nguyên nhân là do thời tiết ít mưa, lượng nước ngầm cạn kiệt dẫn đến thiếu nước cung cấp cho nhà máy xử lý để cung cấp nước cho người dân...đãn đến việc người dân phải mua nước từ dưới chân núi vận chuyển lên." - ông Trần Duy Thập thông tin. 

Nhiều cư dân thị trấn Tam Đảo cũng cho biết, từ tháng 9/2024 (sau cơn bão Yagi), do lượng mưa giảm hẳn dẫn đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Tam Đảo cạn kiệt. Điều này khiến cư dân gặp nhiều khó khăn cũng như nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tại thị trấn du lịch nổi tiếng này phải tạm dừng hoạt động.

Xe tải chở nước sinh hoạt bán cho các hộ kinh doanh dịch vụ tại thị trấn Tam Đảo. Ảnh: Sỹ Hào

"Hiện tại, do nước sạch dành cho sinh hoạt cạn kiệt, cư dân và các chủ hộ kinh doanh dịch vụ tại thị trấn Tam Đảo đang phải mua nước sạch sinh hoạt từ dưới chân núi được vận chuyển bằng xe tải lên bán với giá 250-300 nghìn đồng/m3 (so với mức giá nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang áp dụng gần 9.000 đồng/m3).

Bình quân mỗi ngày, nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ phải chi thêm khoản tiền 2,5-3 triệu đồng cho việc mua khoảng 10 m3 nước sinh hoạt để duy trì hoạt động. Cộng thêm khoản chi phí thuê mặt bằng kinh doanh tại thị trấn rất đắt đỏ lên đến cả tỷ đồng mỗi năm, đã khiến nhiều hộ kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động." - anh Nguyễn Văn Thành, cư dân thị trấn Tam Đảo cho biết. 

Tháo gỡ tận gốc vấn đề thế nào?

Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, nhiều ý kiến từ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh cho rằng, tỉnh Vĩnh Phúc cần phải xây dựng cơ chế hỗ trợ mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề khan hiếm nước sinh hoạt đang diễn ra ở thị trấn Tam Đảo.

Người dân thị trấn Tam Đảo đang phải mua nước sạch sinh hoạt vận chuyển từ dưới chân núi lên với giá 250-300 nghìn đồng/m3. Ảnh: Sỹ Hào

Có thể thấy, việc đầu tư các dự án hạ tầng nhằm mục đích an sinh xã hội, nếu ở khu vực đồng bằng thì rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia, thậm chí cạnh tranh nhau quyết liệt. Nhưng, việc đầu tư hạ tầng như dự án nước sạch ở các khu vực miền núi, địa hình khó khăn phức tạp như ở thị trấn Tam Đảo thì các doanh nghiệp đều e ngại. Thực tế tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thông báo kêu gọi đầu tư, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia.

Nguyên nhân chủ yếu là do chênh lệch địa hình thấp cao có sự cách biệt rất lớn, dẫn đến chi phí đầu tư dự án tăng vọt (có khi lên đến cả trăm tỷ đồng), dự tính sẽ phải xây dựng 6-7 trạm trung chuyển mới có thể đưa nước từ chân núi lên đến thị trấn Tam Đảo. Trong khi đó, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên không hấp dẫn được các nhà đầu tư khi mức giá nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay đang áp dụng khoảng gần 9.000 đồng/khối nước, không thể có lãi.

Theo tính toán, kể cả việc xây dựng mức giá dựa trên chi phí sản xuất thực tế lên đến 30.000 đồng/m3 (đây chỉ là mức giá sản xuất, chứ chưa phải là mức giá kinh doanh được tính toán có lãi để bán cho người tiêu dùng) thì cũng đã mâu thuẫn với mục tiêu an sinh xã hội, ưu tiên phát triển du lịch tại địa phương. Và giá này nếu áp dụng ở thị trấn Tam Đảo chưa chắc người dân đã ủng hộ, bởi vì cũng đã có sự chênh lệch lớn so với mức gần 9.000 đồng/m3 đang áp dụng chung trên toàn tỉnh.

Do vậy, muốn giải quyết tận gốc vấn đề, ý kiến từ nhiều doanh nghiệp cho rằng các cơ quan chức năng nên sớm tham mưu với UBND tỉnh Vĩnh Phúc để xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư dự án nước sinh hoạt theo 3 hướng sau:

Thứ nhất, có thể xem xét việc cho các dự án cấp nước mà tỉnh chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện theo nhiệm vụ cấp bách - phục vụ mục đích chính trị, an sinh xã hội, được vay vốn từ nguồn quỹ nhằm hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án.

Thứ hai, xây dựng chính sách trợ giá, để hỗ trợ và bù lỗ cho doanh nghiệp đầu tư dự án, cũng là hỗ trợ người dân được tiếp cận nước sạch với giá rẻ.

Thứ ba, hỗ trợ về lãi suất để chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và người dân trong vấn đề nước sinh hoạt.

Tam Đảo khan hiếm nước sinh hoạt giữa mùa cao điểm du lịch

Tam Đảo khan hiếm nước sinh hoạt giữa mùa cao điểm du lịch

Vĩnh Phúc: thương mại, dịch vụ giữ vững đà tăng trưởng tích cực trong tháng 4

Vĩnh Phúc: thương mại, dịch vụ giữ vững đà tăng trưởng tích cực trong tháng 4

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Báo chí hỗ trợ và thúc đẩy công tác an sinh xã hội cho người dân

Báo chí hỗ trợ và thúc đẩy công tác an sinh xã hội cho người dân

12 May, 03:13 PM

Kinhtedothi – Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của báo chí trong công tác an sinh xã hội càng trở nên quan trọng. Báo chí cần phát huy vai trò định hướng dư luận, phản biện xã hội và lan tỏa những tấm gương tốt; đồng thời giữ vững bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ