Vĩnh Phúc: thương mại, dịch vụ giữ vững đà tăng trưởng tích cực trong tháng 4
Kinhtedothi - Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng 4/2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ sự ổn định của thị trường hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng gia tăng trong dịp nghỉ lễ dài ngày. Các lĩnh vực bán lẻ, ẩm thực, du lịch và vận tải đều ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4/2025 ước đạt khoảng 7.399,4 tỷ đồng, tăng 5,84% so với tháng trước và tăng 16,84% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm, con số này đạt 28.416,8 tỷ đồng, tăng 13,32% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng 4/2025 ước đạt khoảng 7.399,4 tỷ đồng, tăng 5,84% so với tháng trước. Ảnh minh họa: Lương Giang.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4 đạt 5.866,9 tỷ đồng, tăng 6,62% so với tháng trước và tăng 16,23% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 22.516,4 tỷ đồng, tăng 12,09% so với cùng kỳ.
Một số nhóm ngành có mức tăng trưởng cao bao gồm: hàng may mặc tăng 51,11%, được thúc đẩy bởi các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 23,04%, nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; ô tô dưới 9 chỗ ngồi tăng 42,09%, do thị trường sôi động với nhiều mẫu xe mới và chính sách ưu đãi; đá quý, kim loại quý và sản phẩm liên quan tăng mạnh 64,36%, phản ánh sự biến động tăng của giá vàng trong nước.
Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch tăng trưởng rõ rệt
Thị trường dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng ghi nhận sự sôi động trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Doanh thu lĩnh vực này ước đạt 654,3 tỷ đồng, tăng 2,71% so với tháng trước và tăng 26,22% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, doanh thu đạt 2.486,7 tỷ đồng, tăng 22,47% so với cùng kỳ năm 2024.
Tháng 4/2025, dịch vụ du lịch, ẩm thực lưu trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt. Ảnh: Lương Giang.
Doanh thu từ dịch vụ du lịch lữ hành đạt 24 tỷ đồng, tăng mạnh 62,20% so với tháng trước, dù vẫn giảm 9,02% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được cho là do xu hướng du lịch tự túc và sử dụng dịch vụ trực tuyến ngày càng phổ biến. Tổng doanh thu 4 tháng đầu năm của lĩnh vực này ước đạt 64,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,82% so với cùng kỳ.
Vận tải và dịch vụ logistics tiếp tục mở rộng
Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Doanh thu toàn ngành vận tải trong tháng 4 đạt khoảng 777,6 tỷ đồng, tăng 1,34% so với tháng trước và tăng 13,37% so với cùng kỳ.
Cụ thể, vận tải hành khách đạt 175,3 tỷ đồng, giảm 3,30% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 21,90% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng chủ yếu, vận chuyển 3,96 triệu lượt hành khách. Vận tải hành khách đường thủy tiếp tục thu hẹp, doanh thu duy trì ở mức thấp.
Vận tải hàng hóa đạt doanh thu 508,1 tỷ đồng, tăng 2,49% so với tháng trước và tăng 7,03% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải đường bộ đạt 367,3 tỷ đồng, tăng 14,39% so với cùng kỳ với khối lượng vận chuyển ước tính 1,98 triệu tấn. Vận tải đường thủy nội địa đạt 140,7 tỷ đồng, tăng so với tháng trước nhưng vẫn giảm 8,34% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính và chuyển phát đạt 94,2 tỷ đồng, tăng 4,28% so với tháng trước và tăng mạnh 39,78% so với cùng kỳ. Lĩnh vực này tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử và đầu tư hạ tầng logistics ngày càng phát triển.

Vĩnh Phúc: nâng cao giá trị chăn nuôi gà thương phẩm nhờ áp dụng quy trình VietGAHP
Kinhtedothi - Nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, xây dựng chuỗi liên kết bền vững và ổn định đầu ra cho người dân, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình chuỗi sản xuất – tiêu thụ gà thương phẩm theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP). Sau thời gian thực hiện, mô hình cho thấy hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế lẫn khả năng nhân rộng.

Vĩnh Phúc: thị trấn Tam Đảo tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kinhtedothi - Hàng vạn người dân và du khách đã nô nức tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) tại trung tâm thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) - khu du lịch được mệnh danh điểm đến hàng đầu thế giới.
Vĩnh Phúc đón hơn 150.000 lượt khách du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Kinhtedothi - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 ghi nhận những con số ấn tượng của ngành du lịch Vĩnh Phúc. Toàn tỉnh đón hơn 150.000 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch đạt khoảng 75 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2024, cho thấy sức hút ngày càng lớn của Vĩnh Phúc trên bản đồ du lịch trong nước.