Cán bộ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp xã phải có chứng chỉ nghiệp vụ

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 47/2018/QĐ-TTg về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành (TTCN) an toàn thực phẩm (ATTP) tại các huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, TP của 9 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Cụ thể 9 tỉnh thực hiện Quyết định này gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 100% đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã sẽ triển khai thí điểm. Tại 7 tỉnh, TP còn lại, sẽ có tối đa 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và 25% đơn vị hành chính cấp xã tham gia thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm là một năm, bắt đầu từ ngày 10/06/2019.
 Đoàn tranh tra chuyên ngành ATTP phường Trung Liệt, quận Đống Đa kiểm tra một nhà hàng trên phố Thái Hà.
Cũng theo Quyết định này, người được giao nhiệm vụ TTCN ATTP tại các địa phương nêu trên phải am hiểu pháp luật về thanh tra và ATTP; có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến ATTP và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP.
Trước đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về thí điểm triển khai TTCN ATTP. Hà Nội là 1 trong 2 TP lớn được chỉ định triển khai thí điểm thực hiện tại 5 quận, huyện. Sau hơn 3 năm được trao quyền, với những kết quả đạt được, đến nay, Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình TTCN ATTP tới tất cả các xã, phường, thị trấn, quận,huyện.
Thông qua các khóa đào tạo, tất cả thành viên tham gia đoàn thanh tra đều được cấp chứng chỉ TTCN ATTP; được cấp trang phục riêng và UBND các cấp đã ra quyết định thành lập 12 đoàn TTCN ATTP, với sự tham gia đầy đủ của các đơn vị chức năng theo quy định.
Qua triển khai TTCN ATTP, nhiều cơ sở vi phạm về ATTP được phát hiện, đã kịp thời xử lý. Ngoài việc xử phạt các đơn vị, hộ kinh doanh thực phẩm vi phạm, thông qua việc triển khai thí điểm TTCN ATTP, các đoàn thanh tra đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP. Kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quận và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Tại các quận và các địa phương triển khai đã có những chuyển biến rõ nét, đó là nhận thức, kiến thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân trên địa bàn quận được nâng lên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần