Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần cách chức lãnh đạo làm trái Nghị quyết 128

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Trung ương điều hành về chống dịch Covid-19 mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được. Cần kỷ luật lãnh đạo địa phương làm trái quy định của Trung ương về chống dịch.

Đó là kiến nghị được đưa ra tại tọa đàm "Nghị quyết 128 hướng tới bình thường mới" được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 18/10.
 Tọa đàm Nghị quyết 128 hướng tới bình thường mới.
Địa phương không được làm trái với Trung ương

Đánh giá về nghị quyết 128, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, đây là quyết sách đúng đắn phù hợp trong tình hình mới để thích ứng linh hoạt với dịch. Tuy vậy, khâu tổ chức vẫn là quyết định trong thành công thực hiện nghị quyết, đơn cử như vấn đề GTVT.

"Chủ trương đúng rồi, nhưng triển khai phải đồng bộ. Dừng xe 5 phút trên đường dẫn tới hàng trăm xe nối đuôi nhau đến hàng giờ đồng hồ, gây bức xúc DN. Hay đã yêu cầu áp dụng công nghệ QR nhưng vẫn có địa phương ghi thủ công từng số xe. Rồi yêu cầu chung là xét nghiệm có hiệu lực 72 giờ, nhưng có địa phương chỉ cho 48 tiếng hay 24 tiếng" - ông Thọ dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc đồng bộ phải thể hiện ngay ở ứng dụng công nghệ, khi áp dụng khai báo y tế qua mã QR thì tất cả các địa phương, các chốt đều làm như vậy, không phải có nơi yêu cầu lái xe xuống khai bằng tay vào sổ. "Hay như việc ngành y tế đã quy định xét nghiệm 72 giờ thì cả nước thực hiện 72 giờ, có địa phương lại nói chỉ có giá trị 24-48 giờ. Nếu chúng ta thực hiện chưa đồng bộ sẽ có bức xúc" - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đồng tình khi nhấn mạnh, Nghị quyết 128 là chủ trương rất sáng tạo, xã hội đón nhận nó như luồng gió mới.
 Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần đình chỉ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ Nghị quyết 128 của Chính phủ. 

Tuy nhiên, việc hiểu đúng và thực hiện đồng bộ, thống nhất Nghị quyết là điều rất quan trọng. Phó trưởng Ban Dân nguyện nhắc đến bất cập tại các chốt kiểm soát dịch liên tỉnh, tạo ra tình trạng cát cứ và kiến nghị cần sớm khắc phục.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, câu chuyện về chỉ đạo từ Chính phủ xuống địa phương là vấn đề người dân rất bức xúc. "Người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương, đây là câu chuyện rất khó hiểu"- ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Chính vì vậy, theo ông Nhưỡng, các địa phương phải tuân thủ sự chỉ đạo từ Trung ương, thống nhất nhưng vận dụng linh hoạt. Trong quy định về tổ chức thực hiện, Chính phủ đã đề ra 28 vấn đề, trong đó quy định rất rõ các địa phương có 5 nhiệm vụ chính. Các địa phương phải căn cứ vào 5 quy định đã được giao để thực hiện một cách nghiêm túc, tất cả mọi lĩnh vực.

“Tôi đã trực tiếp đi đến các chốt liên tỉnh và có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, thống nhất quan điểm là không có giá trị gì. Xét về mặt dịch tễ không có giá trị, xét về mặt GTVT thì càng tệ. Đây là câu chuyện thứ nhất chúng ta phải khắc phục.

Thứ hai là cách ly tập trung, rất rủi ro. Tôi đã nghiên cứu các bệnh viện ở Bình Dương là 12.000 bệnh nhân với 12.000 giường bệnh tập trung vào đấy. Một con số khủng khiếp.

Thứ ba là chuyện người dân về quê, chuyện không được đi lại, trở thành câu chuyện như thợ lặn nhịn thở 1 hồi lâu, khi có Nghị quyết 128 thì được hít 1 hơi dài.

Thứ tư là tình hình y tế, bây giờ chúng ta phải củng cố lại. Câu chuyện này như là đi vào trận, vừa tiến công, phải vừa bắn vừa chạy. Chúng ta không thể cầm súng ngồi để mà chờ bắn được”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng
"Với Nghị quyết 128, Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng "nhịp đập" của cả nước hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được"- ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Có thể còn phát sinh những đợt dịch tiếp theo

Cũng tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo dự báo, vẫn có thể có những chủng virus mới và sẽ còn phát sinh những đợt dịch tiếp theo. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch từ cố gắng dập tắt dứt điểm ca bệnh sang “chung sống an toàn”.

Việt Nam với những thành tựu chống dịch trong 4 đợt dịch vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4, đã được các nước trên thế giới cùng Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, đứng trước cách tiếp cận dịch bệnh với quan điểm mới, cũng như điều kiện tiếp cận vaccine của nước ta, thì chúng ta cần phải đồng thời triển khai các hoạt động, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện bằng được mục tiêu kép.

Để kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các biện pháp phòng chống dịch chúng ta cần phải điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp hơn với thực tiễn.

Cùng với việc tăng dần tỉ lệ bao phủ vaccine, cần phát hiện sớm các ca bệnh, trường hợp nhiễm, không để sót các ca bệnh, tiến hành khoanh vùng, cách ly ở diện tích nhỏ nhất có thể; hạn chế các biện pháp phong tỏa kéo dài trên diện rộng, triển khai quyết liệt điều trị cho các ca lây nhiễm, điều trị từ sớm từ xa, giảm tỉ lệ tử vong. Bên cạnh đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, hàng hóa, du lịch, giáo dục đào tạo… Qua đó, từng bước đưa ra giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp, đảm bảo an toàn.

Từ những quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, ở thời điểm này, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh và công tác phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.

Nhắc lại những quy định trong Nghị quyết 128, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Nghị quyết đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.

Khi thực hiện, phát hiện những khó khăn, bất cập, đề nghị các địa phương báo cáo kịp thời về các cơ quan của trung ương để các bộ, ngành có hướng dẫn kịp thời, phù hợp, tháo gỡ khó khăn ngay cho các địa phương. “Đây là Nghị quyết hiện nay được các cấp, các ngành và nhân dân đón nhận rất tích cực, vì vậy, tôi đề nghị một lần nữa các địa phương không đưa ra các biện pháp bổ sung không phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.