Nhiều khó khăn cản đường
Đổi mới sáng tạo đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và CMCN4.0.
Với nhận thức đó, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như: xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lập nghiệp; xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển, tập trung vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn. Cùng với đó, tập trung phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng số, hạ tầng điện, nước, giao thông...
Phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật đã được khơi dậy trong mọi lĩnh vực. Nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Mặc dù vậy, phong trào đổi mới sáng tạo kỹ thuật tại Việt Nam vẫn còn rời rạc, nhiều sáng kiến, sáng tạo chưa được ứng dụng vào thực tiễn. Nguyên nhân bởi, nhiều quy định trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn bất cập, chậm được tháo gỡ.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, việc phát huy các nguồn lực cho nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo còn hạn chế, sự liên kết giữa các doanh nghiệp với các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học chưa thường xuyên. Đặc biệt, nguồn tài chính để đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn hẹp. Nguồn vốn tài trợ từ ngân sách Nhà nước, địa phương cho thành lập và hoạt động của các vườm ươm doanh nghiệp hoạt động không vì lợi nhuận còn rất nhỏ, chủ yếu là dành cho mặt bằng và cơ sở nhà xưởng.
Trong khi, các trường đại học cũng khó khai thác quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, không thể định giá tài sản trí tuệ nhằm thành lập các doanh nghiệp Spin-off và Start-up.
Chỉ ra những bất cập trong quy định pháp luật gây khó dễ cho nhà khoa học, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, các nhà khoa học chính là những người hiểu và nắm rõ nhất về quá trình hình thành, đặc tính của các kết quả nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của mình. Tuy nhiên, theo Luật Phòng chống tham nhũng, cán bộ, công chức, viên chức không được góp tài sản nghiên cứu, tài sản trí tuệ tham gia góp vốn vào doanh nghiệp, dẫn đến cản trở quá trình hình thành Spin-off từ các trường đại học. Do đó, việc cho phép các nhà khoa học cần được tham gia vào việc hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ nên cần được xem xét.
Tại các DN, phong trào đổi mới sáng tạo cũng đang gặp những trở ngại lớn. Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội Lương Mạnh Sơn chia sẻ, việc sáng tạo khoa học kỹ thuật tại các đơn vị, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc vì trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Trong khi đó, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa phát huy được vai trò để tạo được sức bật và trở thành động lực phát triển của doanh nghiệp.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ, tăng nguồn lực đầu tư
Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) Nguyễn Thy Nga đánh giá, hiện nay các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo có sự phân tán, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong khi sự kết nối giữa các đơn vị này còn không ít hạn chế, thách thức. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, lúng túng khi muốn triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, bởi không biết làm theo bộ, ngành nào.
Để khuyến khích phong trào đổi mới sáng tạo, bà Nguyễn Thy Nga cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thêm “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn. Trước hết, cần tạo ra sự kết nối 2 chính sách quan trọng là thu hút nguồn lực tri thức, hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới. Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tạo ra sự liên kết, liên thông về cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Đại diện cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng kiến nghị, cần có chính sách ưu đãi cho việc thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp Start-up, Spin-off . Mặt khác, xây dựng cơ chế về tài chính, đặt hàng cho việc phát triển các sản phẩm kỹ thuật thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Ở góc độ DN, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội Lương Mạnh Sơn đề xuất, các cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi) về các nội dung như: chính sách phát triển, tập trung vào hoàn thiện nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời có chính sách phù hợp để tập trung nguồn lực nhằm hình thành các cơ sở, các tổ chức trung gian để sớm hình thành thị trường khoa học và công nghệ.