Cần có chiến lược dài hơi cho vấn đề VSATTP

Chia sẻ Zalo

KTĐT - VSATTP là vấn đề rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nếu không cẩn thận thì nó còn ảnh hưởng đến cả nòi giống.

KTĐT - Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nếu không cẩn thận thì nó còn ảnh hưởng đến cả nòi giống. Do vậy, chúng ta cần phải có chiến lược về vệ sinh an toàn thực phẩm mang tính dài hơi để có thể tác động tích cực vào thói quen sinh hoạt của người dân.

Ngày 10/11, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 tiếp tục làm việc tại hội trường về dự án Luật An toàn thực phẩm.

Bên hành lang kỳ họp, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XII về tính chất quan trọng của Luật đối với sức khỏe người dân.

Chiến lược quốc gia về bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên bắt đầu ngay từ năm 2010, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Ngọc Vinh:
Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nếu không cẩn thận thì nó còn ảnh hưởng đến cả nòi giống. Do vậy, chúng ta cần phải có chiến lược về vệ sinh an toàn thực phẩm mang tính dài hơi để có thể tác động tích cực vào thói quen sinh hoạt của người dân.

Theo tôi, Chiến lược quốc gia về bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bắt đầu ngay được thì rất tốt nhưng phải có lộ trình cụ thể, có chia ra từng giai đoạn thực hiện để chúng ta đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm.

Ông Trần Ngọc Vinh:
Vệ sinh An toàn thực phẩm có liên quan đến sức khỏe của hàng chục triệu người dân, hiện tại, chúng ta mới có Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế nên có ý kiến cho rằng cần nâng cấp Cục này lên thành Tổng cục thuộc Bộ Y tế, theo ông, việc này có cần thiết?

Theo tôi, giao cho Bộ Y tế quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là hợp lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cũng chưa thể giải quyết hết được những phần việc của mình. Nếu xét về mặt cải cách hành chính hiện nay, xu hướng là giảm đầu mối, đó là cái chung.

Tôi thấy rằng, về mặt quản lý nhà nuớc về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà vẫn ở cấp Cục thì chưa đủ tầm, chưa bao quát hết được, cần nâng cấp lên Tổng cục để đủ thẩm quyền giải quyết hết được những tồn tại phát sinh.

Ở Trung ương đã có cơ quan quản lý nhà nước rồi thì ở các tỉnh, thành phố cũng cần có cơ quan chuyên trách việc này và đặc biệt là ở dưới cơ sở, việc quản lý kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phải nằm ở bộ phận y tế xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cộng tác viên, theo tôi cũng rất quan trọng.

Ý kiến của ông về việc quản lý thực phẩm biến đổi gen?

Ông Trần Ngọc Vinh: Thực phẩm của chúng ta nói chung, hiện tại việc quản lý cũng còn nhiều bất cập. Đặc biệt là thực phẩm biến đổi gen lại là một loại thực phẩm mới, áp dụng công nghệ sinh học và thậm chí cả hóa chất nữa.

Về mặt khoa học mà nói, việc sử dụng chúng có hậu quả như thế nào, chúng ta vẫn chưa thể lường hết được. Theo tôi, thực phẩm biến đổi gen cần phải quản lý chặt và phải áp dụng chế tài điều chỉnh về mặt pháp luật sao cho hợp lý với mục tiêu tiên quyết là bảo vệ an toàn sức khỏe người dân.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển thực phẩm không đảm bảo chất lượng mà cụ thể là những bao tải mỡ thối, mỡ bẩn được dùng để làm ra mỡ chế biến thực phẩm, nhưng dường như việc xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe?

Ông Trần Ngọc Vinh: Đúng như vậy, thời gian vừa rồi, lực lượng chức năng ở một số địa phương đã phát hiện những container hàng thực phẩm được nhập từ nước ngoài vào, ví dụ như chân gà, mỡ bẩn, nội tạng gia cầm... không đảm bảo chất lượng, rất ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nếu tiêu thụ chúng.

Chúng ta phải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sao cho chặt chẽ, đồng bộ, quy trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực như trách nhiệm của hải quan đến đâu, y tế dự phòng như thế nào, rồi quản lý thị trường, công an..., tránh đùn đẩy, né tránh mới đủ sức răn đe hành vi vi phạm.

Theo tôi, nếu như chỉ bắt giữ, tiêu hủy và phạt tiền như hiện nay thì vẫn chưa đủ sức mạnh răn đe, cần phải buộc những trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự khi đưa ra truy tố trước pháp luật.

Xin cảm ơn ông./.