Cần có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/12, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với Ban chính sách luật pháp T.Ư Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo lồng ghép giới trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Hiện nay, Hà Nội có 3 mô hình thu hút hội viên là các nữ DN tham gia gồm: Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội, Hội nữ DNNVV, CLB nữ DN. Thời gian qua, mặc dù, các cấp Hội phụ nữ TP đã cố gắng tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho DN nữ, nhưng mới dừng lại ở mức rất khiêm tốn. Trong khi đó, các khó khăn chính của DNNVV do phụ nữ làm chủ là thiếu kiến thức kỹ năng, khó hơn trong tiếp cận nguồn lực và thị trường như thủ tục vay vốn, xúc tiến thương mại,…
 Quang canh hội nghị.

Theo các đại biểu, việc ra đời dự án Luật hỗ trợ DNNVV là cần thiết để hỗ trợ DNNVV phát triển, đặc biệt là DNNVV do nữ giới làm chủ. Về tiêu chí xác định DNNVV (điều 5 Dự thảo), đa số các đại biểu nhất trí lấy tiêu chí doanh thu. Tuy vậy, để sát với thực tế nên chia doanh thu của các DN theo 3 lĩnh vực ngành nghề (công nghiệp và xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại và dịch vụ) theo các tỷ lệ khác nhau.
Cùng với đó, ở điều 26 dự thảo Luật nêu hai nhóm ngành được hỗ trợ là chế biến nông, lâm, thủy sản và dệt may, da giày. Việc xác định được đâu là các ngành, nghề lĩnh vực ưu tiêu của quốc gia trong một giai đoạn nhất định là cực kỳ quan trọng, định hướng cho cả một quốc gia, đòi hỏi có tầm nhìn, xác định rõ cơ sở, lý do lựa chọn; điều này sẽ thống nhất tất cả các điều khoản hỗ trợ của Luật. Trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn yếu và thiếu, các đại biểu đề nghị một số lĩnh vực tập trung hỗ trợ như: Áp dụng công nghiệp cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; phần mềm; du lịch và dịch vụ du lịch gắn với văn hóa truyền thống; dịch vụ du lịch - khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; giáo dục và dịch vụ giáo dục,… thay bằng chỉ có 2 nhóm ngành được hỗ trợ là chế biến nông, lâm, thủy sản và dệt may, da dày.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung về hỗ trợ pháp lý cho DN, cụ thể: Thời gian qua, lực lượng DNNVV Việt Nam đa phần được hình thành trong giai đoạn 15 năm  trở lại đây và trên nền tảng nhận thức pháp lý còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ý thức tuân thủ và thực thi pháp luật còn nhiều yếu kém, trong một thời gian ngắn Nhà nước phải ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Do đó, DNNVV chưa nắm bắt kịp; tâm lý tình cảm thói quen khi sử dụng pháp luật trong kinh doanh còn ít được doanh nghiệp chú ý đến. Khi có những vấn đề pháp lý phát sinh DNNVV thường hay tìm đến các quan hệ để giải quyết; hệ thống  tổ chức luật sư tư vấn và DN chưa thực sự đồng hành. Vì vậy, DNNVV Việt Nam đang rất cần sự hỗ trợ về pháp lý, đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Nhà nước có chính sách đặc thù hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ tài chính và có chính sách ưu đãi về hỗ trợ mặt bằng sản xuất cũng như miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế đối với các DN do phụ nữ làm chủ để có cơ hội phát triển kinh doanh sản xuất.