Cần có sự điều phối nhịp nhàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một địa bàn rất phức tạp và có nguy cơ cao trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay. Dịch có thể bùng lên bất kỳ lúc nào nếu không làm tốt công tác phòng, chống, trong đó có việc triển khai tiêm vaccine.

Hà Nội cần có kế hoạch cụ thể cho các chiến dịch cũng như cho từng đợt tiêm vaccine từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Hiện nay, Hà Nội không chỉ gồm người dân có hộ khẩu trên địa bàn mà còn có nhiều người lao động nhập cư, đến sinh sống có thể dài ngày, nhưng cũng có thể ngắn ngày. Vì vậy, địa phương phải thống kê được tất cả các trường hợp để biết chính xác số người dân sinh sống trên địa bàn. Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng là phải tiêm được cho các đối tượng đang sinh sống trên địa bàn chứ không chỉ tiêm cho người dân có hộ khẩu trên địa bàn.
Hướng dẫn người dân khai báo y tế trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
Chúng ta phải huy động tổng thể các điểm tiêm chủng cố định, dựa trên các điểm tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ hiện có. Bên cạnh đó, thành phố nên thành lập thêm các điểm tiêm chủng mới ở các bệnh viện, cơ sở y tế cũng như điểm tiêm chủng lưu động tại các vị trí công cộng để tiếp cận được với người dân một cách tốt nhất.

Hà Nội cũng cần phải lưu ý đến việc quản lý đăng ký tiêm chủng. Hiện Bộ Y tế đã phát triển Sổ sức khỏe điện tử đối với cá nhân. Các đơn vị cần thông báo rộng rãi để người dân có thể đăng ký tiêm chủng online hoặc qua hệ thống này. Qua đó, chúng ta có thể huy động được toàn dân tham gia tiêm chủng. Đặc biệt, dựa vào việc đăng ký tiêm chủng đó, địa phương, cơ sở có thể sắp xếp khoa học, ưu tiên cho những đối tượng tiêm theo Nghị quyết của Chính phủ cũng như Kế hoạch tiêm chủng của Bộ Y tế và TP Hà Nội.

Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay nên cần phải bố trí đủ nguồn lực, nhân lực. Hà Nội phải huy động nhân lực không chỉ là người tham gia tiêm, mà đó còn là những người điều tra đối tượng, vận động đi tiêm, khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe sau tiêm. Mặt khác, phải tập huấn cho các đối tượng này để họ có được trình độ cũng như năng lực nhất định.

Thành phố luôn phải chú trọng tới việc chọn các địa bàn ưu tiên, bởi chúng ta chưa thể có đủ vaccine tiêm một lúc cho tất cả người dân trên toàn địa bàn. Hiện nay, Hà Nội đang lên kế hoạch cố gắng tiêm 200.000 người/ngày, việc này đòi hỏi công tác điều phối nhịp nhàng giữa các điểm tiêm để đảm bảo kế hoạch đề ra. Trong quá trình tiêm chủng, các đơn vị cũng phải lưu ý công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo giãn cách. Hiện nay, có những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, nếu không có ý thức phòng chống, không đảm bảo giãn cách rất dễ lây lan, bùng phát dịch. Tốt nhất, các đơn vị nên ứng dụng CNTT, sắp xếp lên kế hoạch gọi từng nhóm đến tiêm chủng, nhắc theo thời gian sắp xếp hợp lý để tránh việc “ùn tắc” trong tiêm chủng. Đặc biệt, các đơn vị thực hiện tiêm đến đâu an toàn đến đó, việc tiêm đạt số lượng cao nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, an toàn.

Để chiến dịch tiêm chủng được thực hiện thành công không chỉ là có sự tham gia của ngành y tế mà còn có sự vào cuộc của chính quyền các quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng. Đặc biệt, trách nhiệm của người dân vô cùng quan trọng. Hiện nay, để đạt được miễn dịch cộng đồng, chúng ta phải tiêm được nhanh, sớm, đủ. Khi có vaccine, chúng tôi mong rằng, mỗi người hãy coi tiêm chủng là quyền lợi của mình nhưng cũng là trách nhiệm, thực hiện nghiêm chỉnh biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho mỗi điểm tiêm; đồng thời thực hiện tốt thông điệp 5K + vaccine của Thủ tướng Chính phủ.

Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế - PGS.TS Trần Đắc Phu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần