Diễn đàn-Làm gì để cứu thị trường bất động sản?

Cần công khai quy trình chuẩn thủ tục đầu tư dự án

Hồng Thắm - Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong tình hình chung của cả nước, thị trường bất động sản (BĐS) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng hết sức ảm đạm. Nhiều nhà đầu tư lo lắng, hoang mang. Tất cả đang trông chờ vào “bàn tay hữu hình” của Chính phủ nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng.

>>> Diễn đàn - Làm gì để cứu thị trường bất động sản? Tôn trọng nguyên tắc thị trường bất động sản để phát triển bền vững

Bất động sản Phú Quốc trở về… mặt đất

TP Phú Quốc là thị trường BĐS sôi động nhất trong nhiều năm qua với những đợt sóng đầu tư, mà đỉnh điểm là “sóng đặc khu” làm cho thị trường điên đảo. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng ít nhiều, tuy nhiên thị trường BĐS Phú Quốc vẫn ghi nhận giao dịch. Thậm chí giới đầu tư tin rằng thị trường nơi đây sẽ ấm dần lên sau đại dịch. Thế nhưng điều gì đang xảy ra nơi “thánh địa” BĐS đảo ngọc này?

Thị trường BĐS Phú Quốc đang cần “giải cứu” khỏi cuộc khủng hoảng.
Thị trường BĐS Phú Quốc đang cần “giải cứu” khỏi cuộc khủng hoảng.

Một “đại gia” BĐS đến từ Hà Nội chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, thị trường BĐS Phú Quốc sau “làn sóng đặc khu” đã đi xuống với nhiều lý do như mua bán hỗn loạn, giá ảo, chính quyền tăng cường quản lý đất đai, ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và chính sách của Nhà nước…

“Đất công (1.000m2/công) giảm mạnh, từ 3 tỷ đồng/công, nay chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng, thậm chí 1,5 tỷ đồng. Đất nền, nhà xây sẵn cũng lao dốc và vắng bóng người mua. Có nhiều người cứ tưởng sau dịch bệnh đất rẻ, đổ cả trăm tỷ đồng vào gom đất Phú Quốc và giờ đây phải ngậm trái đắng. Thị trường BĐS Phú Quốc vẫn chưa thể đi ngang được, chưa nói đến khả năng đi lên nếu không thay đổi chính sách” - vị này quả quyết.

Giám đốc Công ty BĐS DakLand Phú Quốc Đặng Đức Giới cho biết, có thời điểm cái group Zalo của công ty 22 giờ đêm vẫn còn hoạt động trao đổi về giao dịch BĐS nhưng bây giờ thì im hơi lặng tiếng. Thị trường BĐS nằm bất động nên nhiều công ty BĐS đóng cửa, cắt giảm nhân viên. “Nhiều DN bây giờ chỉ tập trung lo trả lãi suất cho ngân hàng. TP Phú Quốc dự báo sẽ có 500.000 người đến sống và làm việc, hiện chỉ mới có khoảng 160.000 người. Đây là một thị trường BĐS đầy tiềm năng nhưng với cơ chế, chính sách thế này thì nhiều DN có nguy cơ phá sản” - ông Đặng Đức Giới nói.

Bất động sản Tây Đô cũng nằm chờ chính sách

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ Dương Quốc Thủy nhìn nhận: Thị trường BĐS hiện nay đã có nhiều sự dịch chuyển, Tây Nam Bộ đã và đang trở thành điểm đến của rất nhiều chủ đầu tư, nhất là TP Cần Thơ, thủ phủ ĐBSCL. Trong 5 năm gần đây, thị trường BĐS Cần Thơ đã có sự chuyển mình vượt bậc trong mắt nhà đầu tư khu vực cũng như cả nước. Nền tảng cho sự chuyển mình tích cực chính là sự quan tâm của Chính phủ trong việc ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp vùng ĐBSCL phát triển kinh tế.

Đặc biệt là việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thông qua 7 tuyến cao tốc quy mô liên vùng; dự án đầu tư xây dựng cảng biển quốc tế Trần Đề; mở rộng hệ thống logistics hàng không tại Cần Thơ và một số cảng nội địa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nhiệm kỳ này, Chính phủ dành khoảng 470.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông cả nước, trong đó tỷ trọng cho vùng ĐBSCL cũng cao hơn nhiệm kỳ trước và cao nhất từ trước đến nay.

Giai đoạn 2021 - 2022, TP Cần Thơ tiếp đón các tập đoàn kinh tế đa ngành về tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như đề xuất triển khai nhiều dự án BĐS quy mô lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Sovico, T&T, Đất Xanh... Theo Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2025, có 96 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu tái định cư, nhà ở xã hội với 11.756 căn nhà ở riêng lẻ, nhà ở thương mại; 4.057 căn nhà tái định cư; 320 căn nhà ở xã hội. Như vậy, nếu tính trên số dự án đã có chủ trương và đang triển khai thì nguồn cung BĐS tại Cần Thơ rất dồi dào nhưng trên thực tế dự án đủ điều kiện giao dịch thì chỉ "đếm được trên đầu ngón tay".

Tuy nhiên, thị trường BĐS Cần Thơ cũng có những khó khăn, bất cập. Các chính sách thắt chặt tín dụng cũng như các quy định mới siết chặt đầu cơ, hạn chế phân lô tách thửa, tăng cường chống thất thu thuế, cùng với tình trạng một số DN BĐS lớn bị thanh, kiểm tra đã làm nguồn cung BĐS giảm mạnh.

Ngày 17/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS… Đây là một động thái quyết liệt, quyết định rất kịp thời để thấy rằng, Chính phủ đã thấu hiểu, sẻ chia, đồng hành với DN BĐS tại thời điểm khó khăn, lan tỏa niềm tin tích cực về thị trường BĐS, trong đó có Cần Thơ.

Cần tháo gỡ nút thắt pháp lý

Ông Dương Quốc Thủy cho rằng, với những khó khăn hiện nay, cần có một số giải pháp liên quan đến việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nới tín dụng, tăng nguồn cung. Trong đó, nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông dòng vốn, tạo điều kiện cho các DN, chủ đầu tư BĐS triển khai thực hiện, hoàn thành dự án đang dở dang, tạo nguồn cung. Chính phủ xem xét nới room tín dụng khoảng 1 - 2% để có thêm khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này có thể ưu tiên cho các dự án nhà ở thương mại, nhà ở vừa túi tiền, nhất là những dự án được đầu tư bởi DN có uy tín, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, dự án đảm bảo yếu tố pháp lý đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tháo gỡ nút thắt pháp lý, Tổ công tác của Chính phủ phải quyết liệt, chọn những Tập đoàn, DN lớn để tập trung tháo gỡ, làm tiền lệ giải quyết các trường hợp tương tự.

“Tại Cần Thơ, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy nhanh thực hiện thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã đủ điều kiện được cấp giấy theo quy định... hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường. Đồng thời phối hợp hướng dẫn các chủ đầu tư dự án trong việc hoàn thiện thủ tục cấp phép đủ điều kiện bán nhà ở, căn hộ chung cư hình thành trong tương lai và công khai trên Cổng thông tin điện tử” - ông Dương Quốc Thủy kiến nghị.

 

Kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu ban hành, công khai quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại để hướng dẫn các DN, chủ đầu tư thực hiện. Có thể phát hành “sổ tay đầu tư” để ngày càng thu hút thêm các tập đoàn, DN lớn về TP. Các DN BĐS cần đảm bảo “sức khỏe”, thời điểm này có thể tinh giản tối đa bộ máy, thu hẹp quy mô để bảo toàn lực lượng nòng cốt và duy trì trạng thái của DN.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ Dương Quốc Thủy