Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố Hồ Chí Minh:

Cần đảm bảo quyền lợi cho mọi học sinh trường Quốc tế Mỹ

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh gửi thư ngỏ kêu hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động học tập cho hết năm học 2023-2024, đã có nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh Trường Quốc tế Mỹ.

Ngày 9/4 vừa qua, Giám đốc sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu đã gửi Thư ngỏ đến phụ huynh học sinh trường Quốc tế Mỹ kêu gọi đóng góp hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường để việc học tập của học sinh trong những tháng cuối năm học 2023-2024 không bị gián đoạn.

Nguyên nhân Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh gửi Thư ngỏ đến phụ huynh học sinh vì: Từ ngày 1/4/2024, đã có 748 phụ huynh đồng thuận đóng góp hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường cho đến cuối năm học 2023 - 2024. Tính đến ngày 8/4/2024, phụ huynh học sinh của trường đã đóng góp tổng số tiền trên 28,4 tỷ đồng.

Sau khi chi trả lương, BHXH, BHYT cho giáo viên, trợ giảng, nhân viên người nước ngoài, người Việt Nam làm việc tại trường và các khoản phục vụ hoạt động giảng dạy để vận hành nhà trường, số dư tài khoản hiện tại hơn 9,5 tỷ đồng. Với số dư hiện tại, Sở GD&ĐT ước tính không thể tiếp tục duy trì hoạt động giảng dạy trực tiếp cho học sinh toàn trường đến khi kết thúc năm học.

Đại diện Sở GD&ĐT đã có buổi tiếp xúc với đại diện của 748 phụ huynh, tiếp nhận đề xuất tổ chức giảng dạy trực tiếp đối với học sinh đã đóng góp hỗ trợ và giảng dạy trực tuyến cho những học sinh chưa đóng góp.

Học sinh Trường Quốc tế Mỹ đi học lại vào ngày 3/4. Ảnh: Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh Trường Quốc tế Mỹ đi học lại vào ngày 3/4. Ảnh: Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nhận được Thư ngỏ của Sở GD&ĐT, đã có nhiều ý kiến khác nhau của phụ huynh học sinh. Chị B.M.T. có con đang học tại trường Quốc tế Mỹ có ý kiến rằng, Sở GD&ĐT cần phối hợp với nhà trường để vận động phụ huynh hiểu rõ quyền lợi giữa việc đóng thêm tiền và không đóng thêm để phụ huynh đưa ra quyết định. Nếu gia đình nào khó khăn về tài chính Sở GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh chuyển đến trường khác.

Liên quan đến Thư ngỏ và vụ việc này, Luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, số tiền quyên góp của phụ huynh trên tinh thần đồng hành để vượt qua giai đoạn khó khăn này để hướng đến mục đích các em học sinh được kết thúc năm học trong thời gian ngắn sắp tới là điều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, ý tưởng và đề xuất phân loại trực tiếp (với những học sinh đã đóng góp hỗ trợ) và trực tuyến (với những học sinh chưa đóng góp) thì cần phải xem xét lại. Bởi lẽ, như Thư ngỏ đề cập thì việc quyên góp này là dựa trên sự kêu gọi hỗ trợ và sẽ được hoàn lại. Trong khi đó, lại kèm đề xuất phân loại trường hợp chấp nhận đóng và không đóng để tổ chức hình thức dạy tương ứng. Rõ ràng, điều này không còn là kêu gọi hỗ trợ và đi ngược lại tinh thần tự nguyện, mà là theo hướng “buộc phải đóng góp nếu muốn duy trì hình thức học cho con em”.

Luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, xét đến mục đích ban đầu khi phụ huynh đóng khoản tiền nhiều tỷ đồng cho nhà trường và được cam kết sẽ được hoàn lại là giao dịch hợp tác giữa hai bên, thì mọi hoạt động duy trì và vận hành của trường (từ hình thức tổ chức giảng dạy đến sử dụng cơ sở vật chất …) đều ảnh hưởng đến quyền lợi của bên hợp tác, tức liên quan trực tiếp đến phần đã đóng góp ban đầu này. Do đó, việc tổ chức giảng dạy nếu thay đổi theo hướng phân loại như trên là xâm phạm đến lợi ích của những trường hợp không đóng góp thêm theo lời kêu gọi.