Cần đẩy mạnh quảng bá Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh là một sản phẩm du lịch, do đó cần đẩy mạnh quảng bá và có các đối tác để cùng thực hiện.

Ngày 10/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị, tập huấn cung cấp thông tin, kiến thức công viên địa chất (CVĐC) Lý Sơn - Sa Huỳnh.
 Ông Đặng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Xây dựng CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh là triển vọng lớn đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi. Nếu CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh được công nhận, trước hết sẽ tạo ra sự thay đổi nhận thức, làm cho thế giới từng bước biết đến nền văn hóa Sa Huỳnh”.
Theo ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh có thể xem là một bảo tàng địa chất ngoài trời sinh động với nhiều thành tạo địa chất.
“Từ kiểu loại  đất đá, các loại hình khoáng sản, suối nước nóng, các dạng địa hình, cảnh quan các miệng núi lửa, thác nước… minh chứng cho một miền đất đầy biến động - Miền đất của những chuyển động”, ông Trí nói.
So với các CVĐC hiện tại ở Việt Nam, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh mang màu sắc, phong vị khác biệt. CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh trưng bày “món ăn địa chất” đa dạng, thể hiện lịch sử kiến tạo địa chất phức tạp từ 2.000 triệu năm trong đất liền, các phức hệ lớn của khu vực có niên đại vài trăm triệu năm, đến hoạt động núi lửa trẻ ven biển và hải đảo.
Về văn hóa, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh lại mang đến sự thăng trầm của dòng chảy văn hóa cổ Sa Huỳnh giao hòa với Chăm-pa.
Với những giá trị khác biệt của mình, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đang dần định hình là Miền đất của những chuyển động với 4 tuyến tham quan gồm: Tuyến phía Đông ra đảo Lý Sơn là hải trình tìm hiểu bí ẩn nơi đảo thiêng; tuyến ngược lên phía Tây hòa vào vũ điệu xuyên thời gian của lục địa cổ; tuyến xuôi vào phía Nam là hành trình về những nền văn hóa cổ và tuyến ra phía Bắc để lắng nghe tiếng vọng của biển và ký ức chiến tranh.
Theo TS Trần Tân Văn - Viện trưởng viện khoa học địa chất và khoáng sản, khối lượng công việc còn rất nhiều. Về tiến độ thực hiện, đang gấp rút triển khai nhiều hoạt động để kịp tiến độ hoàn thiện và đệ trình hồ sơ lên UNESCO vào tháng 11/2019 đề nghị công nhận CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh là CVĐC toàn cầu UNESCO. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu, các chuyên gia của UNESCO sẽ tiến hành thẩm định thực tế vào giữa năm 2020 và kết quả chính thức sẽ được công bố trong cuộc họp của Hội đồng Chấp hành UNESCO vào tháng 4/2021.
TS Guy Martini - Tổng thư ký mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Liên quan đến những nội dung các tiêu chí, điều kiện để trở thành CVĐC toàn cầu, TS Guy Martini - Tổng thư ký mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO cho rằng: Nên khoanh vùng các khu vực cần bảo vệ, đồng thời  tuyên truyền, giáo dục cho người dân trong khu vực để họ bảo vệ, tự hào về những di sản họ đang có.
Đồng thời, cần có chiến lược quảng bá CVĐC để khách du lịch biết đến; thực hiện các ấn phẩm, tờ rơi, website bằng nhiều thứ tiếng…; xây dựng các trung tâm thông tin cho du khách. Bản thân CVĐC chung quy cũng là sản phẩm du lịch, do đó cần có các đối tác trong khu vực để cùng thực hiện. Các đối tác phải có những tiêu chí và cam kết rõ để đảm bảo đôi bên cùng có lợi.
“Để phát triển kinh tế cho cư dân địa phương, bên cạnh những sản phẩm hiện có, có thể kết hợp để tạo ra những sản phẩm mới. Đây là điều CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh hoàn toàn có thể làm được. Cũng mong muốn những công ty lữ hành nghiên cứu sâu hơn để phát triển CVĐC này”, ông Martini bày tỏ.
Dịp này, Ban quản lý CVĐC Sa Huỳnh - Lý Sơn đã trao giấy chứng nhận cho 19 đối tác chính thức cung cấp các dịch vụ du lịch.