Cần “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu kinh tế

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” ngày 12/10, nhiều trăn trở về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đang trình Quốc hội xem xét đã được các chuyên gia đưa ra để tìm phương án hiệu quả nhất.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thực hiện chiến lược tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới cần thiết phải có một ủy ban, một “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu.
Cổ phần hóa chỉ dừng ở mức hoàn thành nhiệm vụ
Đánh giá về kết quả tái cơ cấu 5 năm qua, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, sau 5 năm thực hiện phân bổ lại nguồn lực, kết quả là nguồn lực vẫn dựa vào Nhà nước. “Hệ thống giá, nhất là giá đầu vào cơ bản không được đo lường đầy đủ bằng nguyên tắc thị trường, đó là đất đai, tiền lương, năng lượng và giá vốn, nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”. Hệ quả là giá điện mãi không điều chỉnh được, tiền lương cũng vậy, lãi suất không thể hạ hơn vì hệ thống phân bổ nguồn lực méo mó” - ông Thiên nhận định.

Tái cơ cấu nền kinh tế là việc cần làm nhưng phải xác định được hướng đi đúng.  Ảnh: Ngọc Hà

Theo các chuyên gia, mục tiêu cổ phần hóa (CPH) vẫn chỉ là hoàn thành nhiệm vụ, hơn là đi vào kết quả thực chất của sứ mệnh này. Đến nay, mục tiêu tái cơ cấu thông qua CPH để phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng chỉ đạt được không đáng kể, khoảng 10 - 15% tổng số vốn của các DN Nhà nước được CPH. Hệ thống ngân hàng đã qua được cơn “bĩ cực” nhưng cục “máu đông” nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí còn tăng lên.
Đồng tình với quan điểm này, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, suốt giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam thực hiện tái cơ cấu kinh tế với 3 trung tâm là tái cơ cấu đầu tư công, các tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, kết quả còn thấp. Quản lý ngân sách tại những DN, đơn vị này hầu như vẫn dậm chân tại chỗ và sự lệch pha giữa tái cơ cấu ngân sách và nợ công.
Bỏ ngay cơ chế xin - cho
“Hiến kế” để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, các chuyên gia cho rằng, cần phải thiết kế, xây dựng một chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng mới.  Trước tiên, phải bỏ cơ chế phân bổ nguồn lực bằng cách phân bổ nguồn lực theo hướng hành chính xin – cho đang tạo ra sự sai lệch, kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát. “Nên các nhà lãnh đạo phải vượt qua chính mình, phải vượt qua khỏi lợi ích cục bộ, ngành, địa phương... Có xu hướng là người ta chỉ làm những gì có lợi cho người ta, không có lợi thì chưa làm” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM)  Nguyễn Đình Cung, nhấn mạnh.
Trong 3 đột phá chiến lược của nền kinh tế có đột phá về thể chế, là phải thiết lập được một hệ thống thị trường về các yếu tố sản xuất – đây cần là một nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tái cơ cấu khu vực tài chính phải tư duy lại rằng, không chỉ là thoái vốn, CPH DNNN mà còn phải cơ cấu lại danh mục tài sản của Nhà nước. Nhà nước cần phải rút khỏi kinh doanh, tập trung vào xây dựng thể chế, xây dựng hạ tầng, làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng phải xử lý dứt điểm và xử lý nhanh nợ xấu trong ngành, phải tách rời nhiệm vụ xử lý nợ xấu khỏi việc trừng phạt những người gây ra nợ xấu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần