Cân đối để giữ làng xóm cũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, phân khu N6 phải giải được "đề bài" định hướng công nghiệp, là khu vực di dời các xí nghiệp hiện có trong nội thành và khu công nghệ cao kết hợp nghiên cứu phát triển.

Quá trình triển khai quy hoạch cho thấy, đề bài này không dễ giải, bởi cần có sự cân đối hợp lý giữa yêu cầu phát triển công nghiệp với các khu vực dân cư hiện có.

Quy hoạch phân khu đô thị N6 (huyện Đông Anh, Hà Nội) là một trong những phân khu cuối cùng (trong số 17 phân khu đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch) đang được khẩn trương hoàn thiện để TP phê duyệt trong năm nay.

Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (đơn vị tư vấn) đã báo cáo với Thường trực UBND TP về phân khu đô thị N6. Viện Quy hoạch đã đề xuất diện tích hơn 300ha đất dành cho kho tàng, công nghiệp. Đối chiếu với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, phân khu N6 phải dung nạp 676ha đất cho công nghiệp tập trung. Như vậy, theo quy hoạch chung, đồ án này còn thiếu hơn 300ha đất công nghiệp. Nếu đối chiếu với quy hoạch ngành công nghiệp của Sở Công Thương, đến năm 2020, phân khu phải dung nạp 399ha đất công nghiệp. Trong đó, xác định 300ha để hoàn chỉnh khu công nghiệp cũ và dành đất để di chuyển khu công nghiệp từ nội thành về đây.

Lý giải cho nguyên nhân khiến đơn vị tư vấn đưa ra một quỹ đất công nghiệp khá "khiêm tốn" so với yêu cầu của quy hoạch chung cũng như quy hoạch ngành, ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, trong khu vực quy hoạch có 7 làng xóm cũ. Sở đã cùng với Viện Quy hoạch cân nhắc và thấy rằng, không nên di dời làng xóm, vì như vậy sẽ phải có một quỹ đất tái định cư "đối ứng" rất lớn. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng rất lo lắng về sự ảnh hưởng đến yếu tố truyền thống của làng xã, một trong những giá trị văn hóa cần được giữ gìn. Hiện, Viện Quy hoạch đang đưa ra mô hình "dải tuyến" để giải quyết bài toán khó cho quy hoạch phân khu N6. Theo đó, khu vực làng xóm cũ được giữ lại và chỉnh trang, đồng thời bổ sung những chức năng phát triển mới như khu nhà ở cho công nhân, hạ tầng kỹ thuật mới. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, mô hình này cần được cân nhắc thêm.

Sau khi nghe báo cáo, Thường trực UBND TP đã chấp thuận đề xuất để Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nghiên cứu, hoàn chỉnh đồ án N6 theo hai hướng. Thứ nhất, trong khuôn khổ ranh giới của phân khu N6, chuẩn hóa lại các khu công nghiệp có chức năng công nghệ cao, kèm theo phát triển các khu R&D (khu nghiên cứu và triển khai). Về cơ bản, các loại công nghiệp thông thường phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa về khu vực này.

Trong trường hợp hướng một có khó khăn, hướng thứ hai được tính đến là giữ lại cơ bản làng xóm cũ, hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở, phát triển các khu chức năng bổ trợ, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại khu vực kề cận với làng xóm cũ, đồng thời chuẩn hóa các khu công nghiệp cũ. Điểm đặc biệt của hướng thứ hai, phát triển thêm quỹ đất phía Đông, Đông Nam của phân khu N6. Khu vực phát triển thêm có diện tích khoảng 300ha - khu vực không có làng xóm cũ. Phương án này sẽ nâng tổng diện tích của N6 lên xấp xỉ 1.000ha, đảm bảo phân bổ của quy hoạch chung. Tuy nhiên, nếu mở rộng ranh giới của phân khu N6, Hà Nội cần phải có sự trao đổi kỹ lưỡng với Bộ Xây dựng. Ông Dương Đức Tuấn cho biết thêm, để hoàn thiện đồ án, Sở Kiến trúc - Quy hoạch sẽ chủ động phối hợp với Viện Quy hoạch đẩy nhanh tiến độ các công việc, trong đó có cả việc tham vấn lại cộng đồng.

Theo nhiệm vụ quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt, phân khu đô thị N6 có quy mô, diện tích nghiên cứu đến năm 2030 khoảng 700ha, thuộc địa giới hành chính các xã Nguyên Khê, Liên Hà và thị trấn Đông Anh. Ranh giới nghiên cứu quy hoạch được xác định bởi: Phía Bắc đến hành lang xanh sông Cà Lồ, phía Nam đến đường biên khu vực phát triển đô thị và đất canh tác nông nghiệp của huyện Đông Anh, phía Nam và Tây đến tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần