Thực hiện chương trình mới lớp 10:

Cần giải quyết nguy cơ thừa, thiếu giáo viên cục bộ

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu thực hiện với học sinh lớp 10 năm học 2022-2023, ngoài môn bắt buộc thì học sinh có môn lựa chọn. Theo đúng lý thuyết sẽ có 108 cách chọn 5 môn này và dễ dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Sẽ có 108 cách chọn 5 môn lựa chọn

Nếu chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) ở bậc tiểu học và THCS theo quan điểm tích hợp thì ở bậc THPT, chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Trong chương trình GDPT mới bậc THPT, thay vì 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành sẽ chỉ có 12 môn gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn.

Năm học 2022- 2023, học sinh lớp 10 sẽ học Chương trình GDPT mới
Năm học 2022- 2023, học sinh lớp 10 sẽ học Chương trình GDPT mới

Cụ thể, 7 môn học và hoạt động bắt buộc là: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương); 5 môn học lựa chọn được chọn từ 3 nhóm (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn): Nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật). Riêng môn nghệ thuật gồm hai phân môn âm nhạc và mỹ thuật thì học sinh được chọn một trong hai phân môn (tính là 1 môn). Trừ môn ngoại ngữ, tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn. Ngoài ra, có 2 môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Nhận xét về chương trình mới lớp 10, hiệu trưởng, giáo viên các trường THPT đều đồng tình cho rằng “rất khó và khi thực hiện chắc chắn sẽ còn khó hơn”. Ngoài môn bắt buộc thì học sinh có môn lựa chọn và theo đúng lý thuyết sẽ có 108 cách chọn 5 môn này- đây là việc là nan giải nhất vì nhà trường sẽ bị động, không cân đối được giáo viên, ắt dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ (nhóm môn có nhiều học sinh chọn thì giáo viên quá tải; nhóm môn ít học sinh chọn, giáo viên sẽ ngồi chơi dài). Chưa kể, vừa từ bậc THCS lên, học sinh khó có thể biết được năng lực và sở trường của bản thân nên việc chọn môn chưa thể chính xác.

Với môn nghệ thuật, hầu hết các cơ sở giáo dục THPT đều không có giáo viên. “Nếu mời giáo viên thỉnh giảng thì phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiêu chí như có bằng đại học, có nghiệp vụ sư phạm. Nếu vậy thì tìm nguồn giáo viên và tiền công chi cho việc mời giáo viên ở đâu?”- Hiệu trưởng một trường THPT tại huyện Chương Mỹ nêu câu hỏi.

Không để giáo viên chạy theo học sinh

Để đón nhận chương trình mới, trong tháng 3/2022, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với các nhà xuất bản đã tổ chức 3 đợt giới thiệu sách giáo khoa (SGK) mới (lớp 3, lớp 7, lớp 10) theo hình thức trực tuyến đối với giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn toàn TP. Về tinh thần, các trường học đều sẵn sàng và có những bước chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để chủ động thực hiện chương trình GDPT mới.

Với Chương trình GDPT mới, học sinh lớp 10 sẽ có 7 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn
Với Chương trình GDPT mới, học sinh lớp 10 sẽ có 7 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn

Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) Đào Ngọc Sỹ cho biết, nhà trường có đội ngũ giáo viên chuẩn và trên chuẩn; riêng môn nghệ thuật thì nằm trong tình trạng chung là chưa có giáo viên. Tùy tình hình thực tế và theo hướng dẫn, trường sẽ có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

“Nhà trường hiện có 77 giáo viên thuộc các bộ môn đều đã tham gia buổi giới thiệu SGK lớp 10. Các thầy cô đang nghiên cứu sách; tiếp đến trường lên kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và chọn lựa SGK. Trong điều kiện có thể, trường sẽ cố gắng chuẩn bị tốt nhất; còn khi triển khai nếu phát sinh khó khăn thì sẽ cùng đề xuất, lắng nghe và tìm cách tháo gỡ”- nhà giáo Đào Ngọc Sỹ nói.

Phương án trước mắt được một số trường dự kiến thực hiện đối với nhóm môn lựa chọn, đó là đưa ra “thực đơn” môn học mà nhà trường có đủ giáo viên và điều kiện dạy, sau đó học sinh sẽ đăng ký. Có như vậy mới bố trí, sắp xếp đảm bảo giáo viên có chuyên môn và thời gian hợp lý; bởi nếu để học sinh chọn, giáo viên “chạy” theo sẽ bất khả thi.

Nói về tiến độ thực hiện, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà chia sẻ: Thời điểm này, nhà trường đang chuẩn bị cơ sở vật chất còn giáo viên vẫn được bồi dưỡng, tập huấn về SGK để dạy trong năm học tới. Có rất nhiều điểm mới cũng như khó khăn khi nhìn vào chương trình GDPT 2018 nhưng phải đi vào dạy học thực tế mới đánh giá được nhu cầu của các em để sắp xếp giáo viên đứng lớp. Với tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn (trong đó có nghệ thuật), nhà trường chờ hướng dẫn của cấp trên mới có thể tìm hướng giải quyết.

Liên quan đến chương trình GDPT mới, được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có một số hội thảo bàn về giải pháp triển khai thực hiện, nhất là trường hợp có vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ. Theo đó, ngoài trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho các môn học nói chung, tới đây, các nhà trường phải đầu tư cơ sở vật chất như phòng học âm nhạc, mỹ thuật đáp ứng được nhu cầu khi học sinh đăng ký tham gia học môn nghệ thuật.

“Khó khăn rất nhiều nên các nhà trường, hiệu trưởng, giáo viên cần nghiên cứu kĩ để chuẩn bị cho việc triển khai; làm sao có thể tuyển sinh, sắp xếp lớp phù hợp với điều kiện của nhà trường; đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu của học sinh trong việc lựa chọn các môn học….”- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.