Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần hình thành những ngân hàng tư nhân lớn mạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) về xu hướng sáp nhập các ngân hàng hiện nay.

Cần hình thành những ngân hàng tư nhân lớn mạnh - Ảnh 1
Theo TS Nguyễn Đức Thành, xu hướng ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank tham gia sáp nhập các ngân hàng nhỏ sẽ không làm "sức khỏe" của các ngân hàng này bị suy yếu. Tuy nhiên, đáng lo nhất là khi toàn bộ hệ thống ngân hàng tập trung vào một số ít các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ làm chậm quá trình cải thiện sức cạnh tranh của hệ thống. "Do đó, hệ thống ngân hàng cần có sự phát triển cân đối giữa khối ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân" - ông Thành nói.

"Mùa" đại hội cổ đông năm nay, xu hướng sáp nhập "nóng" hơn bao giờ hết. Liệu, việc sáp nhập các ngân hàng này có phải là "bình mới rượu cũ" trước sức ép tái cơ cấu không, thưa ông?

- Việc một số ngân hàng có chung sở hữu sáp nhập với nhau theo tôi là hợp lý. Đây là giải pháp tốt để xử lý sở hữu chéo, nợ xấu. Theo tôi, việc các ngân hàng thương mại cổ phần hoặc một nhóm ngân hàng thương mại cổ phần sáp nhập sẽ không tác động lớn tới thị trường. 

Một hình thức sáp nhập mới đang được một ngân hàng đưa ra xin ý kiến cổ đông là mô hình "ngân hàng trong ngân hàng". Cụ thể, GPBank có thể sẽ về với Vietinbank với tư cách là một ngân hàng con trực thuộc Viettinbank. Ông đánh giá thế nào về hình thức sáp nhập này?

- Mô hình ngân hàng trong ngân hàng không có vấn đề gì đáng ngại. Trong quá trình sáp nhập, thay vì hấp thụ ngay lập tức thì hai ngân hàng có thể lựa chọn giải pháp cùng chung sống, cùng hỗ trợ, tương tác nhau. Sau một thời gian, khi đã tái cơ cấu xong, ngân hàng lớn có thể bán ngân hàng nhỏ đi, hoặc sáp nhập toàn bộ ngân hàng con đó. Cũng có một khả năng nữa là có thể Vietinbank muốn phát triển mô hình tập đoàn tài chính. Cụ thể, Vietinbank có thể muốn hình thành những ngân hàng con chuyên sâu về một mảng lĩnh vực, mảng doanh nghiệp nào đó. Chẳng hạn, PGBank sẽ là ngân hàng con phụ trách mảng tài trợ doanh nghiệp dầu khí, xăng dầu… 
Maritime Bank có kế hoạch về chung nhà trong đại hội cổ đông năm nay.      Ảnh: Việt Linh
Maritime Bank có kế hoạch về chung nhà trong đại hội cổ đông năm nay. Ảnh: Việt Linh
 
Để cứu các ngân hàng nhỏ, một số ngân hàng quốc doanh như Vietinbank, Vietcombank đang bắt đầu tham gia sáp nhập ngân hàng nhỏ. Việc này có làm các ngân hàng sau sáp nhập thêm nặng gánh không, thưa ông?

- Có thể thấy, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra theo hướng thể hiện ngày càng rõ vai trò của khối ngân hàng quốc doanh. Việc ngân hàng quốc doanh sáp nhập các ngân hàng nhỏ sẽ không làm sức khỏe của các ngân hàng này bị suy yếu, vì những ngân hàng quốc doanh có tiềm lực lớn. 

Tuy nhiên, đáng lo nhất là việc các ngân hàng quốc doanh "ôm" ngân hàng nhỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Cụ thể, khi toàn bộ hệ thống ngân hàng tập trung vào một số ít các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ làm chậm quá trình cải thiện sức cạnh tranh của hệ thống. Vì thị trường ngân hàng đòi hỏi phải hình thành những định chế tài chính lớn. Một số ngân hàng thương mại quốc doanh hiện nay đã đáp ứng được tiêu chí này, nhưng sự kết nối của họ với Chính phủ cũng ngày càng lớn. Nếu hệ thống ngân hàng tập trung quá nhiều vào các ngân hàng lớn của Nhà nước sẽ gây những rủi ro trong tương lai vì những ngân hàng này có thể tạo ảnh hưởng lớn về chính sách, thậm chí thao túng thị trường… Mặt khác, các doanh nghiệp Nhà nước nói chung vốn được đánh giá không cao về tính minh bạch, khả năng thay đổi để thích ứng, cạnh tranh trên thị trường như các doanh nghiệp tư nhân. Do đó, hệ thống ngân hàng cần có sự phát triển cân đối giữa khối ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân. Cần xây dựng, hình thành những ngân hàng tư nhân lớn mạnh, có bề dày để tạo nên sự năng động cho toàn hệ thống ngân hàng.

Thay vì cố cứu các ngân hàng nhỏ bằng sáp nhập, tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho phép phá sản các ngân hàng yếu, thưa ông?

- Theo quy định pháp luật hiện nay, việc ngân hàng phá sản kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp. Hơn nữa, phá sản ngân hàng là vấn đề nhạy cảm, có thể gây bất ổn trên thị trường. Tuy NHNN chưa tuyên bố ngân hàng nào phá sản, song thực tế, phần lớn các thương vụ sáp nhập hiện nay đều mang tính chất phá sản, đóng cửa ngân hàng yếu. Thủ tục phá sản tại Việt Nam quá rắc rối và Việt Nam chưa có kinh nghiệm phá sản ngân hàng như các nước khác thì chưa nên làm.

Xin cảm ơn ông!