Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần khởi tố vụ án điện giật khiến 6 học sinh thương vong ở Long An

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của các luật sư khi nói về vụ tai nạn điện làm chết 2 học sinh lớp 6 và làm bị thương 4 cháu khác tại Trường Trung học cơ sở (THCS) An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An vào chiều 13/10.

Cần khởi tố vụ án điện giật khiến 6 học sinh thương vong ở Long An - Ảnh 1
Luật sư Trần Thị Ánh (Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)

Phải khởi tố vụ án để điều tra

Dây điện đứt do sét đánh
Khoảng 16h30 phút ngày 13/10, sau khi tan học nhiều cháu học sinh ra trước sân trường lấy xe và chờ cha mẹ đón về. Thời điểm này trời vừa tạnh mưa, do không phát hiện đường dây điện trung thế bị đứt rớt xuống đường nên khi qua vị trí này, 6 học sinh bị điện giật bất tỉnh. Phát hiện vụ việc, giáo viên cùng một số phụ huynh lập tức đưa các em đến Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành cấp cứu. Do bị điện giật nặng, 2 em Đinh Tiên Bảo và Nguyễn Thị Ngọc Lan (cùng SN 2007, lớp 6) tử vong. 4 em khác được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Long An cấp cứu, gồm: Phan Tấn Sang (SN 2006, lớp 7), Trương Huỳnh Tiến (SN 2006, lớp 7), Hồ Thị Diễm Hương (SN 2006), Đinh Hoàng Vũ (SN 2007).
Ngày 14/10, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) có thông cáo báo chí nêu nguyên nhân do mưa giông dẫn đến sự cố sét đánh vào lưới điện gây đứt đường dây 22kV trước cổng Trường THCS An Lục Long. Sau khi sự việc xảy ra, Điện lực Châu Thành đã cô lập nguồn điện. Phía EVN SPC hỗ trợ mỗi gia đình có con tử vong 50 triệu đồng, hỗ trợ 4 gia đình có con đang điều trị tại bệnh viện 50 triệu đồng. Hiện EVN SPC đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguyên nhân.
Luật sư Trần Thị Ánh (Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Trước hết phải xem xét trách nhiệm của điện lực. Bởi lẽ, theo khoản 7 điều 5 Nghị định số 14/2014-NĐCP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực và an toàn điện như sau: “Xây dựng, ban hành kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn sự cố, tai nạn. Trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn về điện phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cần thiết để cấp cứu người bị nạn, giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản, phải tổ chức điều tra xác định, phân tích nguyên nhân, kiểm điểm xác định trách nhiệm.
Trong trường hợp này đã xảy ra chết người, do đó cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án đề điều tra làm rõ các thiết bị điện tự động có vận hành hay không? Tại sao đứt dây mà điện vẫn còn, nhằm xử lý hình sự đối với cá nhân theo điều 199 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Về trách nhiệm dân sự rõ ràng việc chết người đã được xác định từ đường dây điện trung thế, vì vậy pháp nhân là Công ty điện lực phải bồi thường thiệt hại (tính mạng, tinh thần…). Nếu cần thiết tôi sẽ tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình các em học sinh trong tai nạn này”.
Tương tự luật sư Đồng Hữu Pháp (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng cho rằng phải khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan. Luật sư Pháp nêu hàng loạt thắc mắc: Tại sao các Công ty Điện lực đều có bộ phận kỹ thuật tối ưu, mỗi khi gặp sự cố (thiên tai) thì hệ thống phải tự ngắt - Nhưng trường hợp này, dây điện rớt xuống, hệ thống điện vẫn không tự ngắt điện dẫn đến chết người? Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh truyền dẫn bảo trì hệ thống điện nơi xảy ra sự cố? Ai phải chịu trách nhiệm?
Cần khởi tố vụ án điện giật khiến 6 học sinh thương vong ở Long An - Ảnh 2
Luật sư Đồng Hữu Pháp (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Đơn vị quản lý vận hành lưới điện có làm hết trách nhiệm?

Luật sư Đồng Hữu Pháp phân tích: “Theo Khoản 8 Điều 55 Luật Điện lực 2004, sửa đổi bổ sung 2012 quy định các thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất của lưới điện truyền tải và phân phối phải được lắp đặt đúng thiết kế và được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.
Còn theo quy định tại Điều 6 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực thì các đường dây, trạm biến áp truyền tải và phân phối điện xây dựng mới phải được thiết kế và sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương hoặc cao hơn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam. Theo Điều 3 Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về an toàn điện thì việc thiết kế, chế tạo thiết bị, xây dựng công trình điện lực phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam và phải đảm bảo các yêu cầu.
Như vậy, hệ thống truyền tải điện phải được xây dựng, lắp đặt đúng theo quy chuẩn quốc gia (QCGG) hoặc tiêu chuẩn quốc tế (TCQT). Tại sao một hệ thống truyền tải điện được lắp đặt đúng theo QCQG hoặc TCQT lại không tự ngắt điện khi có sự cố? Tại sao lại xảy ra nguyên nhân như vậy, cần được điều tra làm rõ”.
Cũng theo luật sư Pháp, tại Khoản 4 Điều 55 Luật Điện lực 2004, sửa đổi bổ sung 2012: “Đơn vị quản lý vận hành lưới điện (QLVHLĐ) phải định kỳ tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật và đại tu lưới điện, bảo đảm cho hệ thống vận hành an toàn theo quy định; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về an toàn điện, bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và phối hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật, vận hành tối ưu để giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện”. Vậy đơn vị QLVHLĐ có thực hiện hay không thực hiện trách nhiệm của mình? Nếu làm thì đã làm tốt hay chưa? Cần phải điều tra làm rõ để xác định trách nhiệm đối với những người liên quan.
Có thể phạt tù từ 5 -10 năm
Theo luật sư Đồng Hữu Pháp, đối với trách nhiệm dân sự của đơn vị quản lý, vận hành, kinh doanh điện lực, tại khoản 1 và 2 điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ (NHCĐ) bao gồm phương tiện GTVT cơ giới, hệ thống tải điện…, và các nguồn NHCĐ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn NHCĐ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn NHCĐ theo đúng quy định của pháp luật; Chủ sở hữu nguồn NHCĐ phải bồi thường thiệt hại do nguồn NHCĐ gây ra. Còn theo Nghị định 26/2018/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì EVN là chủ sở hữu hệ thống tải điện - nguồn NHCĐ, thì phải bồi thường thiệt hại do nguồn NHCĐ gây ra”.
Về trách nhiệm hình sự, theo điểm đ khoản 1, điểm a và b khoản 3, khoản 5 điều 314 BLHS sửa đổi bổ sung 2017: “Lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn dẫn đến hậu quả làm chết 2 người và 4 người bị thương đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện. Ngoài mức phạt tù từ 5-10 năm, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.