Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần kiểm soát để tránh những vụ việc tương tự Formosa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi kết thúc cuộc họp báo, nhiều chuyên gia lĩnh vực TN&MT, nông nghiệp đã nêu lên đánh giá thẳng thắn về vấn đề này, chia sẻ về những bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp về bảo vệ môi trường biển, nhằm tránh để xảy ra những vụ việc tương tự trong tương lai.

Cần kiểm soát để tránh những vụ việc tương tự Formosa - Ảnh 1Trước hết phải thấy có ngày công bố nguyên nhân cá chết gắn với trách nhiệm của Formosa Vũng Áng và buổi họp Chính phủ chiều nay thì chứng tỏ quản lý của chúng ta từ Chính phủ đến các bộ, các địa phương vừa rồi đã có những thành công khá tốt. Chúng ta có đáp án, lời giải thỏa mãn được nhận thức của người dân, lòng mong muốn được biết của người dân. Thứ hai, cần rút kinh nghiệm “xương máu” rằng không bao giờ được coi các nhà đầu tư đều là những người có trách nhiệm. Chỉ cần sơ hở là họ xả thải trực tiếp ra môi trường dù lúc xả thải họ thừa hiểu hậu quả là gì, ghê gớm như thế nào, gây khó khăn cho người dân 4 tỉnh miền Trung ra sao. Hành động này cho thấy các nhà đầu tư luôn muốn tìm mọi cách để ăn chặn chi phí cho môi trường nhiều nhất khi có thể. Vậy thì, về cách thức áp dụng cơ chế quản lý trên thực tế phải luôn coi rằng mọi nhà đầu tư đều luôn sẵn sàng “ăn quỵt” môi trường. Điểm thứ ba chúng ta cần thiết kiện toàn lại toàn bộ hệ thống quản lý với những cơ chế có liên quan đến bảo vệ môi trường cũng như cơ chế có liên quan đến đời sống xã hội. Đấy là những yếu tố liên kết tạo nên tính bền vững trong quá trình phát triển kinh tế. Lúc này cần rà soát lại toàn bộ, kể cả việc rà soát hơn 30 khu kinh tế ven biển, chúng ta đã là gì, đang làm gì và sẽ định làm gì. Đấy là những yếu tố cần quan tâm vì vùng biển là vùng rất nhạy cảm với ô nhiễm môi trường, rất nhạy cảm với tai biến thiên nhiên, nhạy cảm với những khó khăn về đời sống xã hội người dân do sinh kế gắn với giao động của vùng biển ven bờ. Hiện tại Formosa đã đồng ý bồi thường cho việc mất sinh kế của những người dân tại 4 tỉnh miền Trung và có cam kết dùng chi phí để tạo dựng lại môi trường biển giống như trước khi đã gây ra ô nhiễm. Tất nhiên, cấp cơ quan Nhà nước đã xem xét kỹ cơ chế đảm bảo trách nhiệm của Formosa. Trên thực tế thì truyền thông cũng như người dân sẽ tiếp tục có cơ hội thảo luận để thấy rằng chi phí cần thiết là bao nhiêu để tương xứng với cái ô nhiễm môi trường, thảm họa môi trường đã gây ra.
GS. TS Đặng Hùng Võ Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
 
Cần kiểm soát để tránh những vụ việc tương tự Formosa - Ảnh 2Nguyên nhân đã được các cơ quan Nhà nước, nhà khoa học công bố. Bây giờ việc phải làm là có đánh giá toàn diện để đưa ra những giải pháp khắc phục. Trước mắt là giải quyết sinh kế cho ngư dân những vùng bị ảnh hưởng, đưa ra khuyến cáo cho người dân khi sử dụng hải sản từ các vùng biển này. Bên cạnh đó, cần học tập một số nước đã từng xảy ra hiện tượng tương tự để huy động các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và kêu gọi các chuyên gia nước ngoài tìm hướng giải quyết.

Nước ta có chiều dài 3.260km biển, có rất nhiều đảo, có vùng chiều, thềm lục địa, vùng hải dương,... đây là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của dân tộc. Để sử dụng, khai thác được nguồn tài nguyên này một cách hợp lý và bền vững thì phải làm lại điều tra nghiên cứu về biển. Thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng trong vấn đề này nhưng có thể nói hiểu biết về biển vẫn còn rất sơ sài. Nhà nước phải đầu tư đội ngũ khoa học nghiên cứu về biển, hiểu sâu về biển để khi có sự cố gì xảy ra chúng ta có thể tìm ra nguyên nhân để giải quyết một cách nhanh nhất.
GS Mai Đình Yên Hội Sinh thái học Việt Nam

Cần kiểm soát để tránh những vụ việc tương tự Formosa - Ảnh 3Thay mặt Hội Nghề cá Việt Nam và bà con ngư dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết hàng loạt, chúng tôi cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà khoa học liên quan đã công bố nguyên nhân cá chết, làm sáng tỏ vấn đề. Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Bộ TN&MT cũng như các bộ, ngành liên quan xem xét bổ sung những chính sách kiểm soát môi trường, đặc biệt là các chất thải của hoạt động sản xuất, kinh doanh để đảm bảo môi trường bền vững.

Ông Nguyễn Tử Cương Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững Hội Nghề cá Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng văn hóa DN, trong đó có văn hóa đối với môi trường còn chưa được chú trọng nên thời gian tới, các nhà quản lý cần quan tâm đến vấn đề này.

Ngoài ra, để hạn chế những hoạt động xấu của DN đối với môi trường thì vấn đề hậu kiểm sau khi DN đi vào hoạt động, vận hành là hết sức quan trọng. Các đơn vị quản lý về môi trường cần có kế hoạch để kiểm soát độc lập, bên cạnh đó có sự kết nối thường xuyên với các cơ quan quản lý DN và chính quyền địa phương từ đó có thể theo sát được hoạt động sản xuất của DN.

Để xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung vừa qua thuộc trách nhiệm của nhiều bên. Trước hết, trách nhiệm của Công ty Formosa là lớn nhất. Tuy nhiên, Nhà nước, chính quyền địa phương cũng cần phải lưu tâm, rút ra bài học sâu sắc từ vụ việc này để quản lý tốt hơn. Cần có đánh giá tổng thể những khu vực nhạy cảm dễ tạo ra những sự việc giống như Công ty Formosa.
PGS.TS Phạm Hồng Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội