Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần lắm những tuyến đường sắt đô thị vào trung tâm

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một tuần trưng bày, Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long -Trần Hưng Đạo đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của Nhân dân và đặc biệt là các vị khách quốc tế.

Tiện lợi cho du khách
Phụ trách Phòng thực hiện Dự án 2, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Hồ Thanh Sơn cho biết, sau hơn một tuần trưng bày vị trí và Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, đơn vị đã nhận được ý kiến đóng góp của đông đảo người dân và khách du lịch. “Nhiều vị khách nước ngoài tỏ ra rất quan tâm và mong mỏi dự án sớm được triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng để họ có thêm sự lựa chọn phương tiện vận tải công cộng khi đến với Hà Nội” - ông Sơn cho hay.
 Giám đốc Dự án Noboru Nakagawa và Đồng Giám đốc Lê Kim An trao đỏi với khách du lịch nước ngoài về Quy hoạch ga ngầm C9. Ảnh: Ngọc Hải
Thực tế, Hà Nội hiện là điểm đến có sức thu hút rất lớn đối với khách quốc tế. Dù đến với Thủ đô vì mục đích công việc, thương mại hay du lịch, phần lớn các vị khách đều mong muốn được sử dụng loại hình phương tiện vận tải công cộng hiện đại, ưu việt là ĐSĐT.

Ông Christine Cornell - du khách Australia chia sẻ, khi đến tham quan Hà Nội, ông đã gặp một số khó khăn nhất định trong việc di chuyển. Do TP mới chỉ có một tuyến vận tải công cộng bằng xe buýt từ Sân bay Nội Bài đến Ga Hà Nội về gần khu vực Hồ Gươm nên không có nhiều sự lựa chọn cho du khách.
“TP của các bạn không chỉ có quần thể du lịch quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm mà còn nhiều điểm đến hấp dẫn khác nữa. Hiện chúng tôi khá vất vả khi phải tìm kiếm phương tiện di chuyển quanh TP hoặc đến các đầu mối giao thông. Vì vậy ĐSĐT là giải pháp rất cần thiết và hiệu quả, các bạn cần phải làm ngay” - ông Christine Cornell nhấn mạnh.

Thạc sỹ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái cho rằng, cần phải nhìn nhận ga ngầm C9 trong tổng thể chung của ĐSĐT Hà Nội. Nó được đặt ở một vị trí rất đặc biệt, có thể nói là giữa trái tim của Thủ đô, nơi mà hầu hết khách quốc tế đều muốn đặt chân đến. Do đó, Ga C9 sẽ không chỉ giải quyết vấn đề lưu thông, đưa đón người dân, khách du lịch mà nó còn có thể trở thành một biểu tượng của sự phát triển, văn minh và mang dấu ấn văn hóa riêng của Hà Nội.

Làm vì tương lai

Tại buổi tham quan Quy hoạch ga ngầm C9, Điều phối viên quốc tế về vấn đế biến đổi khí hậu Anna Bratt đã nhận xét, Hà Nội đang quá tải giao thông đối với cả người dân lẫn khách quốc tế. Vấn đề giao thông đang tạo nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường của TP. Việc có quá nhiều phương tiện cá nhân chạy bằng xăng, dầu đang khiến bầu không khí của Hà Nội ngày càng ô nhiễm.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia còn cho rằng, ĐSĐT với ưu điểm vượt trội về tốc độ, khối lượng vận chuyển và sử dụng năng lượng sạch cần phải được phát triển nhanh chóng, nhất là ở những khu vực trung tâm của Hà Nội. Thế nhưng, các công trình ĐSĐT vốn đã rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để đầu tư. Nếu chỉ khâu thủ tục đã kéo dài như ga ngầm C9, thì có thể phải vài chục năm nữa Hà Nội mới định hình được mạng lưới ĐSĐT của mình.
Trong khi đó UTGT, ô nhiễm môi trường lại đang diễn biến phức tạp từng ngày, tạo nên áp lực đối với sự phát triển toàn diện của TP. Đồng giám đốc Dự án, Văn phòng tư vấn chung, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo Lê Kim An cho biết, ga ngầm C9 hiện có thể coi là nút thắt cuối cùng của toàn tuyến. Bên cạnh đó nó còn có vai trò kết nối với 2 tuyến ĐSĐT khác, cho nên việc sớm triển khai dự án mang ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống ĐSĐT Hà Nội nói riêng và mạng lưới giao thông vận tải của TP nói chung.
Việc phát triển thêm các loại hình giao thông công cộng mới, sử dụng năng lượng sạch như ĐSĐT có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển tích cực của TP Hà Nội.

Bà Anna Bratt - Điều phối viên quốc tế về vấn đế biến đổi khí hậu