Cần minh bạch việc thu phụ phí nắng nóng của Grab

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường xuyên đưa ra các điều chỉnh về giá cước để thêm phụ thu... nhưng nhiều ý kiến cho rằng Grab thực chất là đang tìm cách “móc túi" khách hàng dưới hình thức hỗ trợ đối tác (tài xế). Trong khi đó, hoạt động thu phụ phí của Grab đang khiến cơ quan quản lý lúng túng.

Ngồi phòng lạnh vẫn hưởng phụ phí nắng nóng

Vừa qua, thông tin hãng xe công nghệ Grab áp dụng chính sách phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” đã nhận phải nhiều phản ánh không tích cực. Chính sách nói trên được Grab áp dụng từ ngày 6/7 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, khi sử dụng một trong các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabMart, khách hàng sẽ phải trả thêm khoản phụ phí 5.000 đồng. Riêng đối với dịch vụ GrabExpress, mức phụ thu là 3.000 đồng/đơn hàng.

Lái xe GrabBike chở khách trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Lái xe GrabBike chở khách trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Không chỉ ở hai TP lớn, Grab cũng áp dụng chính sách thu phụ phí kỳ quặc này tại các địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế..., phụ thu thời tiết nắng nóng với các dịch vụ GrabBike và GrabFood đều là 5.000 đồng.

Theo thông báo trên trang chủ của hãng Grab, mức phụ thu này nhằm hỗ trợ giảm bớt vất vả cho tài xế khi thực hiện các đơn hàng. Đây cũng là ứng dụng gọi xe đầu tiên áp dụng chính sách phụ thu thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, thay vì để tài xế được hưởng toàn bộ phụ phí, Grab lại cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến. Chính cách tính này khiến nhiều tài xế bức xúc.

Anh Nguyễn Văn Việt (tạm trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) khẳng định, khoản phụ thu mà Grab áp dụng thực chất không mang lại lợi ích cho tài xế vì phải cộng dồn vào giá cước. Điều này đồng nghĩa với việc khoản phụ thu mà Grab áp dụng vẫn sẽ được chia theo tỷ lệ giữa tài xế và hãng. Đáng nói, thay vì cảnh nhặt nhạnh của cánh tài xế “phơi mặt” chở khách ngoài đường, phần trăm mà Grab thu về từ hàng ngàn cuốc xe mỗi ngày sẽ trở thành khoản lợi nhuận rất lớn.

Nói về vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, dư luận có quyền đặt nghi vấn rằng Grab đang lợi dụng sự vất vả của các tài xế để “móc túi" hành khách.

“Đưa ra chính sách dưới hình thức hỗ trợ các đối tác nhưng bản thân các nhà điều hành của Grab lại “ngồi mát ăn bát vàng”. Với cách tính hiện tại, phụ phí nắng nóng sẽ giúp những người đang ngồi trong phòng lạnh nhưng vẫn được hưởng phụ phí nắng nóng. Trong khi một tài xế trực tiếp làm việc ngoài đường, tùy theo tỷ lệ đối tác lâu năm 26 - 28% hay 30% của đối tác mới cũng chỉ mang lại vài chục nghìn đồng mỗi ngày” - chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Khó quản lý?

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) Nguyễn Tuyển cho biết, quy định về giá cước hiện nay chỉ áp dụng đối với các loại phương tiện như xe taxi.

Với hình thức xe hợp đồng, sự tăng hay giảm giá cước, phụ phí sẽ được căn cứ theo thỏa thuận tại hợp đồng giữa các bên. “Muốn xác định khoản phụ phí có được thực hiện đúng quy định hay không, chúng ta cần xem xét theo hợp đồng giữa đơn vị với tài xế” - ông Nguyễn Tuyển nói và thừa nhận hoạt động thu phụ phí của Grab là khó quản lý.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng lại cho rằng, với chính sách tăng phụ phí của Grab, mọi thiệt thòi đổ dồn vào người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dù phần trăm vẫn được chia cho tài xế nhưng nhóm đối tác này của Grab cũng phải chịu thiệt thòi vì bản thân họ mới là người đầu tư phương tiện.

“Grab chỉ là đơn vị kết nối trên phần mềm. Bản chất trong phần mềm kinh doanh thì lâu nay họ không có gì phải điều chỉnh, không gia tăng chi phí vận hành thì tại sao lại phải tăng cước phí, tỷ lệ phần trăm? Theo tôi, bản chất ở đây là Grab đang nâng thu chiết khấu, nguyên nhân là do thời gian qua số đối tác sụt giảm 30 - 40% nên có thể đây là cách để Grab thu bù”.

Về mặt quản lý giá cước cũng như phương thức áp dụng các khoản phụ phí, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng Grab vẫn hoạt động một cách tự do, trong khi các cơ quan quản lý tỏ ra lúng túng.

“Ví dụ quy định phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động ở địa phương nào phải xin cấp phép tại địa phương đó. Khi công nhận chính thức là một đơn vị kinh doanh vận tải thì phải công khai giá cước trên phần mềm. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm rõ, phía Grab có tuân thủ quy định này hay chưa” - ông Nguyễn Công Hùng nói.

Liên quan đến việc Grab thu thêm phụ phí nắng nóng, mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đề nghị Grab cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí, phụ phí được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị… Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin trước ngày 18/7.

 

"Với tỷ lệ chiết khấu thông thường của xe công nghệ là 7/3, tức 70% doanh thu mỗi cuốc xe tài xế được hưởng và 30% còn lại chiết khấu với app. Khi app xe công nghệ tăng giá cước, tăng thêm phụ phí thì họ vẫn hưởng lợi với phần trăm tăng thêm, trong khi chi phí tài xế và khách hàng gánh hết. Chưa kể, việc tăng giá cước, thêm các loại phí để tăng giá cước của DN trong giai đoạn này cần phải được cơ quan chức năng tăng cường giám sát, thanh tra với những khoản tăng không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi." - Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần