Cần minh bạch về thông tin thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn đang trở thành mối nguy ngày càng tăng trong xã hội. Ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh đang là câu hỏi và mối lo lắng thường xuyên.

Không dễ

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và chất bảo quản trong sản xuất thực phẩm đang phổ biến và ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan có trách nhiệm. Trên các kệ hàng thực phẩm ở các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi đã có sản phẩm được dán nhãn mác thực phẩm sạch, thực phẩm VietGAP, tuy nhiên chất lượng có thực sự đảm bảo hay không vẫn đang là một ẩn số.
Hiện nay, người tiêu dùng không dễ xác minh được nguồn gốc của hầu hết sản phẩm thực phẩm bán trên thị trường. Ảnh: Huy Chương
Hiện nay, người tiêu dùng không dễ xác minh được nguồn gốc của hầu hết sản phẩm thực phẩm bán trên thị trường. Ảnh: Huy Chương
Trong Hội thảo về nền sản xuất thực phẩm an toàn – minh bạch diễn ra vào ngày 16/6 tại TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng: Hiện nay, có không ít trường hợp chỉ đối phó để được cấp các loại giấy chứng nhận sạch hay tiêu chuẩn VietGAP. "Vậy trách nhiệm của nhà nông, của người sản xuất, của thương lái, nhà buôn, các nhà bán lẻ, các công ty sản xuất và kinh doanh hóa chất có can dự gì vào vòng xoáy thực phẩm bẩn này? Các cơ quan quản lý, các cơ quan chứng nhận đạt chuẩn các phòng thí nghiệm, những người có trách nhiệm cầm cân nảy mực có can dự hay không? Nhiều khi chỉ cần một cuộc điện thoại mà không cần lấy mẫu xét nghiệm vẫn có kết quả.

Thực tế cho thấy, vẫn có rất nhiều hộ nông dân rất muốn sản xuất thực phẩm sạch, nhưng họ vẫn bị thương lái ép giá, nguyên nhân dẫn đến là hiện nay hình thức sản xuất nông nghiệp manh mún và thiếu sự liên kết, chưa chủ động được kênh phân phối riêng.

Riêng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, hiện nay có 2.106 hộ tham gia gồm các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cánh đồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, để người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được bày bán tại các siêu thị cũng như các chuỗi cửa hàng tiện lợi không dễ dàng.

Là một người thường xuyên mua thực phẩm tại các siêu thị, chị Nguyễn Ngọc Thanh, huyện Hóc Môn nói rằng: Tôi đi siêu thị thường mua thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà đơn vị cung cấp công bố, nhưng nói thực tôi chỉ biết đó là rau VietGAP do HTX Phú Lộc cung cấp chứ tôi cũng không biết lô rau này do hộ nông dân nào trồng và ở đâu, được chăm bón ra sao, thu hái vào ngày nào.

Để tìm về các hộ nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã dựa vào danh sách những hộ nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn này do Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cung cấp ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh nhưng không dễ dàng tìm ra. Bởi vì, hiện nay nhiều hộ nông dân ở trong danh sách sản xuất rau VietGAP đã quay sang sản xuất rau thông thường. Hoặc, nếu như tìm được thì cũng không dễ dàng vì địa chỉ mà Sở cung cấp rất mù mờ không có địa chỉ cụ thể. Thế nên, nhiều người cho rằng, vấn đề minh bạch trong sản xuất vẫn chưa được xem trọng.

Những giải pháp

Theo ông Vũ Thế Thành - chuyên gia tư vấn của Hiệp Hội thực phẩm minh bạch: Pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào bắt buộc phải áp dụng vấn đề minh bạch trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Do đó, minh bạch chỉ là sự tự nguyện của nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin cho người dùng. Đó là minh bạch về nguyên liệu và thành phần chúng ta sử dụng; minh bạch về nguồn gốc của loại nguyên liệu đó là truy xuất được nguồn gốc; minh bạch về quy trình công nghệ sản xuất.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, để làm tốt khâu minh bạch về thông tin thực phẩm, trước hết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, DN thu mua và nhà phân phối. Một số DN cũng như rất nhiều hộ nông dân đang cố gắng làm tốt thực phẩm sạch, nhưng họ quá nhỏ bé và bị ép giá đủ bề do không có kênh phân phối riêng. Vì vậy, các DN tốt phải liên kết lại với nhau, đồng thời phải minh bạch thông tin về nông sản cho người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Bộ rất ủng hộ sáng kiến thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch để chủ động liên kết các nhà sản xuất, nhằm đưa ra thị trường thực phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn. Việc liên kết thông qua hiệp hội không chỉ giúp giải quyết vấn đề ATTP mà còn khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ để các DN trong hiệp hội sản xuất thực phẩm minh bạch phát triển.
Bốn năm trước, chúng tôi đã thành lập trang trại thực phẩm hữu cơ, được chứng nhận theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn thực hiện việc truy xuất nguồn gốc theo Hiệp Hội thực phẩm minh bạch. Vì khi bước vào lĩnh vực kinh doanh này, tôi thấy rằng những cơ sở làm ăn chân chính cũng cần được bảo vệ, việc bảo vệ tốt nhất chính là minh bạch thông tin thông qua truy xuất nguồn gốc chứng minh được thực phẩm là sạch, DN sản xuất sạch, an toàn.
Giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm hữu cơ Oganica Phạm Phương Thảo

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần