Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần một cách ứng xử văn hóa

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, cộng đồng mạng ồn ào xung quanh Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại. Có thể nói, từ khóa Tiếng Việt 1 - CNGD đã gây một “cơn bão” trên mạng xã hội với gần 50 triệu kết quả chỉ sau một cú kích chuột trên công cụ tìm kiếm Google, hơn hẳn sự kiện mà nó “ăn theo” là khai giảng năm học mới chỉ với hơn 9 triệu kết quả.

Chuyện ồn ã quanh tài liệu dạy tiếng Việt – CNGD cho học sinh lớp 1 của GS Đại cùng cộng sự có thể lấy nhan đề vở hài kịch của Sếchxpia từng được dịch ra tiếng Việt mà đặt tên: Chuyện không có gì mà ầm ĩ thế! Bởi Tiếng Việt 1 - CNGD đã được phép sử dụng cách đây 40 năm, ở nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước; cũng đã đạt được những kết quả nhất định, dù cũng còn những khiếm khuyết. Cũng cần biết, với một nền giáo dục hiện đại, dùng một lúc nhiều bộ sách giáo khoa cho một môn học là chuyện bình thường, miễn là bảo đảm yêu cầu của khung chương trình do Bộ GD&ĐT đề ra. Cách làm đó cũng từng được áp dụng ở nước ta trong những giai đoạn nhất định và cũng chẳng vì thế mà học trò thời đó không nên người, thậm chí còn có nhiều danh nhân với những cống hiến trên mọi lĩnh vực cho đất nước.

Theo Bộ GD&ĐT, chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa” sẽ được thực hiện khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, cơ sở giáo dục được phép lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp.

Mọi ồn ã sẽ qua đi, bởi rồi sẽ còn vô số điều khác cần thiết và vô bổ được cư dân mạng quan tâm với làn sóng thông tin cuồn cuộn mỗi ngày. Nhưng có điều sẽ không qua đi, thậm chí còn trở lại nhiều lần nếu không cùng bàn luận, xem xét. Đó là văn hóa phản biện, trao đổi nói chung và trên mạng xã hội.

Một là, mỗi khi định trao đổi một vấn đề gì đó, dù ủng hộ hay phản đối, trước hết nên tìm hiểu thấu đáo. Chuyện một người đánh giá một sự kiện, tác phẩm… khi chưa tìm hiểu, nghiên cứu kĩ về nó không phải là hiếm trong thực tế cũng như trên mạng xã hội. Những gì thấy được xung quanh cuộc bàn luận về Tiếng Việt 1 - CNGD cũng cho thấy một điều là có khá nhiều người phê phán GS Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự của ông mà chưa hiểu hết TV1 – CNGD. Chưa hiểu, chắc chắn không thể có ý kiến xác đáng, nhất là phản biện. Rõ ràng người ta có thể đặt dấu hỏi về động cơ, mục đích của hành vi này!

Hai là, đành rằng mỗi người đều có quyền và có thể đưa ra ý kiến của mình, dù là ủng hộ hay phản đối; với TV1 - CNGD cũng vậy. Tuy nhiên, một quy định bất thành văn là đã tranh luận, trao đổi, nhất là trong tranh luận về một vấn đề khoa học, thì trước tiên là chỉ giới hạn trong nội hàm của vấn đề đó và phải tôn trọng người tranh luận. Đáng buồn là ở trường hợp này, không ít người không biết có phải vì quá sốt sắng và lo lắng cho nền giáo dục nước nhà mà đã vượt qua giới hạn, vi phạm nguyên tắc và cũng là chuẩn mực văn hóa tranh luận tối thiểu cần có. Điển hình là trên mạng xuất hiện một clip về PGS Bùi Hiền cùng GS Hồ Ngọc Đại như một lời nguyền rủa, rồi có những người thích thú đưa hình ảnh hai nhà giáo khả kính này bị bôi bác. Dùng hai chữ “khả kính” vì trước khi có những sự việc này, cả hai ông đều có những đóng góp trong lĩnh vực mà mình theo đuổi, là Thày của nhiều thế hệ học trò, trong đó không ít người thành danh ở nhiều lĩnh vực. Khoan chưa bàn chuyện đúng sai của những thay đổi mà hai ông đề xuất, chỉ cần xác định thái độ khi tranh luận: Đó là tôn trọng người đối thoại, cả trực tiếp lẫn trên mạng xã hội. Đấy là chưa kể hai ông đều đã ở lứa tuổi đáng được kính trọng theo truyền thống “trọng sĩ” tốt đẹp của dân tộc Việt.

Các cụ ta xưa dạy, trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần. Giờ thì mỗi lần nhấn nút enter, chắc cũng cần suy nghĩ cho kỹ, vì là người có văn hóa, đang bàn về một vấn đề thuộc về lĩnh vực văn hóa. Muốn phê phán, chỉ ra cái sai, điều bất cập của người khác, trước hết nên tự nhìn lại mình để biết chắc rằng ta xứng đáng làm việc đó, ít nhất trong văn hóa ứng xử, điều mà mỗi chúng ta đều có thể làm được, bất kể tuổi tác, địa vị và trình độ học thức. Được như vậy là ta đã đủ tư cách để bước vào một cuộc tranh luận sòng phẳng, có văn hóa và quan trọng nhất là hướng tới chân lý chứ không phải là đang hùa theo đám đông, nói cho “sướng cái bàn phím”!