Thế nhưng thời gian qua, do bất cập về cơ chế khiến tiến độ di dời còn rất chậm,mục tiêu tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp cũ vì thế còn nhiều hạn chế.
Cấp thiết nhưng ì ạch
Chủ trương thực hiện việc sắp xếp, di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội đã được thể hiện tại Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (năm 2015), Nghị định 167/2017/NĐ-CP (năm 2017) và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP (năm 2021).
Thực hiện chủ trương trên, từ năm 2015, TP Hà Nội đã có rất nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện công tác di dời. Đặc biệt, TP đã chuẩn bị quỹ đất phục vụ việc di dời với hơn 447ha gồm hơn 147ha tại những khu công nghiệp và hơn 300ha tại các cụm công nghiệp. Thế nhưng, đến nay tiến độ xử lý, di dời các cơ sở vẫn còn rất chậm, thậm chí nhiều cơ sở mặc dù nằm trong danh sách buộc phải di dời gấp nhưng vẫn chây ì chưa chịu thực hiện, do còn mong muốn nhiều lợi ích hơn từ vị trí đắc địa của trụ sở cũ.
Điển hình như tại quận Đống Đa, theo báo cáo mới nhất của UBND quận gửi Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho thấy, trên địa bàn có tổng số 14 cơ sở nằm trong danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Về hiện trạng đến nay vẫn còn đến 7 cơ sở đang hoạt động; 7 cơ sở không còn hoạt động sản xuất nhưng chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Từ thực tế này, tại buổi khảo sát mới đây, Ban Đô thị - HĐND TP đã đề nghị quận Đống Đa có cơ chế quản lý với các cơ sở vẫn đang hoạt động để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền thực hiện di dời nhất là các cơ sở sản xuất nằm trong diện quy hoạch trường học...
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, đến nay, Sở đã phối hợp cùng Sở QH - KT và 12 quận rà soát, cập nhật hồ sơ (đợt 1) các cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp đang sử dụng làm cơ sở sản xuất phải di dời do không phù hợp với hoạch xây dựng. Theo đó, tại 12 quận có 90 cơ sở. Đối với 5 huyện có đề án thành lập quận, Sở TN&MT cũng đã tổng hợp danh mục 114 cơ sở nhà, đất có cơ sở công nghiệp đề xuất đưa vào danh mục di dời.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến nhiệm vụ di dời còn một số khó khăn, bất cập trong việc xác định đối tượng áp dụng và thẩm quyền phê duyệt danh mục đề xuất di dời.
Sớm ban hành danh mục cơ sở phải di dời
Theo định hướng của bản quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 3/2021, khu đất của các cơ sở công nghiệp sau di dời chủ yếu sẽ là đất công cộng, đất cây xanh, đất trường học, đất hỗn hợp.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu vực nội đô nhằm mục đích giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực trung tâm Hà Nội được xem là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Nhất là tại các quận nội đô lịch sử, chỉ tiêu diện tích không gian xanh trên đầu người còn đang rất thấp, mới đạt chưa đến 2m2/người so với quy chuẩn là 7m2/người. Cùng đó là việc thiếu các trường công lập, dẫn đến quá tải học sinh tại các trường học hiện có.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc chính cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ đưa các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, TP Hà Nội cần một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất, vì thực tế để DN tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn. TP cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc DN phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất, nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, TP cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu DN đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất.
Tại buổi làm việc của Ban Đô thị- HĐND TP Hà Nội với các sở, ngành và một số quận để khảo sát công tác thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn 12 quận mới đây, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân đề nghị, để đẩy nhanh tiến độ di dời, Sở TN&MT trên cơ sở Nghị quyết của HĐND TP cần khẩn trương tham mưu cụ thể hóa thành quyết định danh mục di dời - đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện.
Cùng đó, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP kiến nghị sớm đẩy nhanh tiến độ kiện toàn ban chỉ đạo cấp thành phố; tiếp tục đề xuất các giai đoạn tiếp theo. UBND 12 quận khẩn trương rà soát, xác định tính pháp lý của các cơ sở thuộc diện phải di dời; có kế hoạch rà soát, đề xuất theo giai đoạn để HĐND TP thông qua danh mục.
“Chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm là rất cấp thiết, không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn tạo dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, có điều kiện thực hiện các vấn đề liên quan đến dân sinh tốt hơn. Thời gian vừa qua, các sở, ngành đã tham mưu cho UBND TP giải quyết nhiều nội dung liên quan đến việc di dời các cơ sở trên; tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, tạo điều kiện cho các đơn vị di dời. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn” - Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân