Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần một cơ chế phát triển làng nghề Dược Hạ ở Sóc Sơn

Kim Thạch - Hoa Vinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng nghề giặt, sơ chế bao tải Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), hình thành từ năm 2004 phát triển đến nay khoảng trên 10 năm. Đến nay còn khoảng trên 85 cơ sở còn làm nghề và sống được nhờ nghề, những cơ sở này đã đem lại những nguồn thu ổn định cho người làm nghề và tạo ra hàng trăm công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Thành phố tạo điều kiện để làng nghề phát triển
Tại buổi gặp mặt với các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề của TP Hà Nội, ngày 1/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẵn sàng kết nối với các ngân hàng để các làng nghề được vay vốn với các nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp hơn.
Về mặt bằng sản xuất của các làng nghề hiện gặp nhiều khó khăn, thành phố đang cho rà soát, kiểm tra để quy hoạch lại làng nghề, có kế hoạch, tạo điều kiện mở rộng phát triển nơi sản xuất của các làng nghề đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Về mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Chủ tịch UBND TP cho rằng, đây là vấn đề thành phố rất quan tâm, đã và đang tích cực triển khai và tới đây sẵn sàng giúp các làng nghề kết nối với các thị trường bên ngoài.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề.  Năm 2015, giá trị sản xuất đạt gần 14.000 tỷ đồng và nhìn chung, thu nhập bình quân lao động làm nghềcao hơn thu nhập bình quân của lao động thuần nông.
Sản phẩm thải loại qua sơ chế đã trở thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Xuất phát từ thực tế đó, nhằm tận dụng những lao động nông nhàn sau những vụ mùa vất vả ở tại địa phương, người dân làng Dược Hạ đã mạnh dạn tìm hướng đi mới để phát triển. Ban đầu có một vài hộ phát triển nghề giặt bao tải và sơ chế. Sau một thời gian, những hộ trong làng tự học hỏi lẫn nhau và nhân rộng dần dần mô hình này, có thời điểm,gần như cả làng phát triển nghề này. Đến nay nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động và phát triển nghề…
Tuy mới được phát triển tại làng Dược Hạchừng khoảng hơn 10 năm, là nghề mới nhưng đã đem lại những thay đổi đáng kể về thu nhập cho những hộ dân làng Dược Hạ. Vào thời kỳ đỉnh điểm gần cả làng làm nghề, tuy nhiên do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nên đến nay còn khoảng 85 cơ sở làm nghề. Những cơ sở này đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng trên 1000 lao động địa phương  ở độ tuổi từ 30 – 55 tuổi, với mỗi lao động thu nhập bình quân từ trên 7 triệu đồng/tháng.Vì là một nghề mới du nhập về địa phương nên chính quyền vẫn còn có những vướng mắc trong cơ chế để làng nghề giặt bao tải và sơ chế Dược Hạ phát triển một cách bền vững.
Lợi thế của nghề giặt bao tải tại Dược Hạ là tận dụng lại những bao tải đã qua sử dụng,và lao động tại địa phương có độ tuổi từ 30 – 55 tuổi, theo như những người dân nơi đây ở độ tuổi này xin việc làm rất khó ở những doanh nghiệp, mỗi một cơ sở sản xuất kinh doanh đều cần một lượng lớn lao động vào làm việc, không những giải quyết công ăn việc làm, bên cạnh đó làng nghề Dược Hạ cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an ninh trật tựcho chính quyền địa phương….
Cần quy hoạch để, giải “bài toán” môi trường
Nguồn nguyên liệu chính của nghề giặt bao tải và sơ chế là những bao tải đã qua sử dụng, việc tận dụng lại những bao tải đã qua sử dụng là một cách làm sáng tạo của người dân Dược Hạ, và cần được phát triển vì đã biến rác thải thành những mặt hàng có giá trị. Tuy nhiên vì là một nghề mới nên đến nay cái khó của người dân làm nghề ở Dược Hạ vẫn là hành lang cơ chế và mặt bằng sản xuất.
 Mong muốn của người dân Dược Hạ sớm được quy hoạch đất sản xuất để phát triển làng nghề và "giải bài toán" môi trường.

Trao đổi với phóng viên, một số chủ cơ sở làm nghề giặt tải và sơ chế Dược Hạ cho biết, các cơ sở sản xuất Hạt Nhựa để sản xuất ra khoảng trên 11.000 tấn hạt nhựa đã nhập lại mặt hàng bao tải ở các cơ sở giặt tải Dược Hạ. Nhờ vậy mà các sở ở Dược Hạ đã thu mua bao tải đã qua sử dụng  với giá trị khoảng  11 tỷ.  Trong đó: tận thu được  được khoảng 2.000 tấn giấy,  chi trả tiền nhân công khoảng 1,5 tỷ, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng trên 1000 lao động với mức thu nhập ổn định trên 7 triệu/tháng.
Nếu không có những cơ sở làm ghề giặt tải và sơ chế Dược Hạ thu mua những bao tải đã qua sử dụng để biến chúng thành mặt hàng có lợi nhuận kinh tế, thì hàng năm thành phố sẽ tốn một khoản kinh phí rất lớn để xử lý loại rác thải nguy hại này. Trong khi đó những bãi rác của thành phố luôn trong tình trạng quá tải, và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc gây ảnh hưởng không nhỏ tới những người dân sinh sống gần khu vực chôn lấp.
Mặt bằng sản xuất là một trong những bức xúc rất lớn đối với bà con nhân dân làm nghề ở Dược Hạ. Rất nhiều hộ muốn đầu tư để phát triển và sống tốt nhờ nghề, nhưng vì chưa có cụm điểm công nghiệp tập trung nên những hộ sản xuất ở đây vẫn phải tận dụng những khu đất trống xa khu dân cư để không ảnh hưởng tiếng ồn của máy móc. Tuy nhiên, đây là  một nghề mới nên đến nay các hộ sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đầu tư đồng bộ.
Sự phát triển ổn định và cũng là mong muốn của người dân địa phương; do đó, rất cần có sự vào cuộc giúp đỡ và tạo điều kiện của các chính quyền để đảm bảo sản xuất đi vào hoạt động có quy mô. Thiết nghĩ, để làng nghề Được Hạ phát triển bền vững rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền huyện Sóc Sơn để Dược Hạ sớm có hướng đi mới trong phát triển làng nghề.