Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần một giải pháp thấu tình, đạt lý

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua vấn đề giáo dục, đào tạo tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ở tầm vĩ mô, ngay đầu tuần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 32 đã thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) với nhiều ý kiến quan tâm đến những quy định liên quan đến chương trình và sách giáo khoa.
Rồi việc Hà Nội công bố Lịch sử - môn học vốn lâu nay bị xem nhẹ là môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm 2019; Cơ quan công an hoàn thành bản kết luận điều tra vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018; Và cả việc báo chí, truyền thông đưa tin nước Mỹ triệt phá đường dây “chạy” vào các trường đại học danh giá ở quốc gia này. Trong 4 sự kiện nêu trên, 2 sự việc có liên quan đến thi cử mặc dù diễn ra ở 2 địa điểm khác nhau (ở Việt Nam và ở Mỹ) nhưng ta thấy có những trùng lặp đáng suy nghĩ.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Sự kiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 dù đáng buồn nhưng cũng không thể không nhắc đến. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định điểm thi của 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố. Trong đó, 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi. Có thí sinh điểm thi ba môn xét tuyển đại học được nâng lên tới 26,45 điểm.
Trong khi thông tin về vụ việc về đường dây “chạy” vào các trường đại học danh giá ở Mỹ cho thấy, mỗi thí sinh con nhà giàu muốn chắc suất vào một trường đại học top đầu cha mẹ các em phải bỏ ra từ 100.000 USD đến 2,5 triệu USD. Gần 50 người, trong đó có nhiều diễn viên và giám đốc DN, đã bị cơ quan chức năng Mỹ buộc tội vì tham gia đường dây này.
Theo ông Andrew Lelling - một chưởng lý Mỹ tham gia điều tra vụ việc, cha mẹ của những sinh viên được vào trường danh giá nhờ đường dây này đều là những người giàu có, quyền lực. Có điều gì đó tương tự trong vụ gian lận thi cử năm 2018. Bởi rõ ràng, phụ huynh phải có quyền lực, nếu không là quyền lực do địa vị xã hội thì cũng là thứ quyền lực do đồng tiền đem lại, mới có thể có những hành vi can thiệp đến trắng trợn như vậy. Nên chăng ngành giáo dục và công an cho công bố công khai danh tính các bậc phụ huynh dùng tiền, quyền để chạy điểm cho con cái mình như các nhà chức trách Mỹ đã làm trong vụ việc mới phát hiện?
Dù xảy ra ở hai quốc gia với nhiều khác biệt về văn hóa, xã hội…, hai vụ việc trên còn có sự trùng lặp nữa mà xã hội quan tâm. Đó là số phận của những thí sinh liên quan, đặc biệt là những em bị thiệt thòi bởi trò gian lận này.
Với những em được hưởng lợi, đã “ngồi nhầm chỗ”, đương nhiên là sẽ bị hủy kết quả thi, trở về mức điểm cũ. Nếu vẫn đạt mức điểm chuẩn, sẽ được học tiếp, nếu không, sẽ phải thôi học. Đây là cách xử lý phù hợp, ngay cả những người trong cuộc cũng phải tâm phục, khẩu phục. Bằng cớ là một số thí sinh ở Hòa Bình, có cả những em “đỗ” thủ khoa vào một số trường danh giá đã chủ động không nhập học!
Đáng quan tâm là những em vì sự gian lận này mà tuột mất cơ hội bước vào cổng trường đại học mà mình mơ ước và xứng đáng. Bởi nói như Chưởng lý Andrew Lelling: "Cứ mỗi một sinh viên được vào trường thông qua gian lận, thì lại có một sinh viên trung thực, học giỏi thực sự bị loại". Bộ GD&ĐT, các trường đại học cần có một giải pháp hợp lý để trả lại sự công bằng cho các em.
Cũng cần thấy rằng, đó mới chỉ là những hệ lụy trước mắt, còn sâu xa hơn về lâu về dài, đó là sự tổn thương và đánh mất niềm tin nơi các em ngay khi chúng vừa bước những bước đầu tiên vào đời, cả với các em được hưởng lợi và mất quyền lợi. Để trả lại niềm tin cho các em quả không dễ, nó đòi hỏi một giải pháp thấu tình đạt lý của nhà trường, gia đình, xã hội. Mặc dù có những ý kiến khác nhau, nhưng trước sự việc này, cả ở Mỹ và Việt Nam đa số ý kiến cho rằng các em đều là nạn nhân của thói hám danh, sự trục lợi của người lớn. Cũng bởi vậy, cách xử lý phải rất thận trọng, đặc biệt đòi hỏi một cái tâm của những người có trách nhiệm, mà hơn ai hết ở đây chính là các cơ quan liên quan của Bộ GD&ĐT và các trường đại học.