Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần nghiên cứu để xúc tiến khởi động lại các đường bay quốc tế

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một diễn biến mới nhất, sáng 29/9, tại buổi giao ban công tác 9 tháng năm 2021 của Bộ GTVT, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã có những cập nhập về tình hình của ngành hàng không trong thời gian qua.

Theo đó, quý III/2021 sản lượng điều hành bay đi/ đến giảm mạnh tới 78%. Cũng trong quý III, các sân bay trên cả nước chỉ đón 429.000 khách, giảm 97,1% so với cùng kỳ 2020, trong đó khách quốc tế đạt 98.000 khách, nội địa đạt 331.000 khách. Tuy nhiên, trong khi điều hành bay quá cảnh lại tăng 27,9% so với cùng kỳ 2020.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định, từ số liệu thống kê trên cho thấy việc hoạt động vận tải hàng không của các nước đã hồi phục và tăng trưởng trở lại. Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, hàng không chủ yếu vận chuyển lực lượng chống dịch, khách công vụ và vận chuyển hàng hóa. Thực hiện khôi phục hoạt động trong tình hình mới, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch khôi phục mạng bay nội địa. Hiện Bộ Y tế đã cơ bản đồng ý phương án khôi phục mạng bay nội địa mà Bộ GTVT xây dựng. Trong đó, Bộ Y tế ủng hộ phương án hành khách chỉ cần đáp ứng điều kiện tiêm 1 mũi vaccine hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19.
 Hành khách làm thủ tục bay quốc tế tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng
Trường hợp hành khách không thuộc 2 đối tượng này phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 là có thể được đi máy bay. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết thêm, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai kế hoạch bay nội địa trở lại nằm ở phía các địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Do đó, ông Đinh Việt Thắng đề xuất chỉ mở chuyến bay đưa khách từ Hà Nội đi mà không đưa về Hà Nội, chiều ngược lại sẽ chỉ chở hàng. Địa phương khác làm đúng kế hoạch ngay khi được duyệt.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không nhận định, việc nối lại đường bay nội địa đang là nhu cầu bức thiết không chỉ của các DN hàng không mà của cả người dân. “Sau dịch bệnh, tất cả mọi người đều cần đi lại. Đi lại là nhu cầu của toàn xã hội và trong bối cảnh đường bộ, đường sắt vẫn chưa thể nối lại được thì hàng không chính là tuyến vận tải hành khách duy nhất có thể hoạt động vào lúc này” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Do đặc thù của hàng không chỉ có đường bay riêng, không có chặng dừng chân giữa đường nên khả năng kiểm soát dịch bệnh sẽ tốt hơn đường bộ và đường sắt. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng được trang bị tại các sân bay cũng như công tác kiểm soát an ninh tại các cảng hàng không luôn thực hiện rất chặt chẽ cũng giúp công tác kiểm dịch được thực hiện tốt hơn. “Đây là lý do khi nối lại các hoạt động vận tải hành khách sau dịch bệnh, chúng ta luôn tính đến hàng không đầu tiên” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói thêm.

Dẫu biết, ưu tiên hàng đầu lúc này vẫn là đảm bảo an toàn phòng dịch và bảo vệ sức khỏe người dân, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với việc dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt tại nhiều địa phương, cùng với đó là công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 đang được thực hiện với tiến độ tốt nên viễn cảnh để hàng không trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian tới là rất sáng sủa.

TS Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam nhìn nhận, với việc tỷ lệ người dân Việt Nam tiêm vaccine từ 1 - 2 mũi ngày một tăng, việc nghiên cứu để khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ là cần thiết. “Việc khởi động lại hoạt động khai thác, vận chuyển hành khách bằng đường hàng không sẽ góp phần giúp các DN hàng không có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, việc nối lại các đường bay nội địa cần được thực hiện theo từng bước; đồng thời cần nghiên cứu để xúc tiến khởi động lại các đường bay quốc tế sử dụng hộ chiếu vaccine khi những chuyến bay thử nghiệm đã được triển khai thành công trong thời gian qua" - TS Bùi Doãn Nề nhận định.