Cân nhắc kỹ khi nâng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tại dự án PPP

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 9/11, góp ý vào Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội đồng ý với đề xuất tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP.

Tỷ lệ vốn Nhà nước không quá 50%: Nhà đầu tư không mặn mà

Thống nhất về sự cần thiết ban hành 5 nhóm cơ chế chính sách được nêu tại dự thảo nghị quyết, đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) bày tỏ đồng tình với việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP.

Lý giải điều này, đại biểu Lại Văn Hoàn cho biết, qua xem xét lại một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn gồm nhiều hợp phần khác nhau đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng, đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP. Vì vậy nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư. Cùng đó, một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính… cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực Nhà nước cao hơn.

Đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) thảo luận- Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) thảo luận- Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, một số dự án hạ tầng kết nối liên vùng đầu tư theo hình thức PPP được phê duyệt và triển khai trước khi luật PPP ban hành (năm 2020) có hiệu lực, trong đó nguồn lực Nhà nước chiếm tỷ trọng cao theo quy định của Luật và của Nghị định 63/2018/NĐCP về đầu tư theo phương thức PPP vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện và được phân bổ đủ nguồn.

Dẫn chứng từ thực tiễn triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình thực hiện trước khi Luật PPP ban hành nên chưa có các quy định pháp luật ràng buộc về tỷ lệ phần vốn của Nhà nước tham gia dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như Covid-19, xung đột, khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, chi phí nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn dẫn đến chi phí thực hiện dự án tăng cao, chủ yếu tăng vào phần khối lượng do phần vốn Nhà nước đảm nhận, tăng lên 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh. Nếu theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% thì cũng không tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án này.

Đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị các đại biểu ủng hộ phương án đề xuất theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 9/11
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 9/11

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ băn khoăn với Luật PPP chỉ quy định tỉ lệ vốn của Nhà nước không quá 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án đầu tư theo hình thức này. Do đó, đại biểu đề nghị việc hợp tác đầu tư công tác cân nhắc tỉ lệ vốn góp, trình tự thủ tục đầu tư, tránh việc kéo dài dự án, thời gian từ khi đề xuất đến khi khởi công dự án quá dài.

Nhà nước nên mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đề cập vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP. Hiện nay Chính phủ đang đệ trình tỉ lệ vốn Nhà nước cao hơn so với tỉ lệ quy định trong Luật PPP là 70%. Việc xác định tỉ lệ hợp lý cần không làm mất đi tính chất hợp tác công tư và cần cân bằng tính khả thi của tỉ lệ này. Đại biểu đề nghị Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng nâng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước khi tham gia dự án PPP lên 80% để giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) cho biết, thực tiễn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư PPP trong thời gian qua, theo báo cáo của Chính phủ còn nhiều khó khăn vướng mắc, cần cấu trúc tài chính phù hợp trong mô hình hợp tác PPP do đặc thù rủi ro cao của các dự án hạ tầng giao thông.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình)
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình)

Theo đại biểu, Nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính, nhằm tăng khả năng về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư mau hoàn vốn, nhất là với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Thống nhất với phương án tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, đại biểu cho rằng điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn; rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động đầu tư tư nhân trong xây dựng các dự án đường bộ; tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.

Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần nhà nước trên 50% vốn đầu tư. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan thẩm định tính khả thi của dự án trước khi kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia, qua đó xác định được mức độ hấp dẫn của dự án đối với nhà đầu tư tư nhân, kiểm soát được quá trình triển khai, đo lường được mức độ ảnh hưởng của dự án tới người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long)
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long)

Giao phần giải phóng mặt bằng cho địa phương thực hiện

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực tế; đại biểu cũng nhất trí với 5 nhóm cơ chế, chính sách được nêu tại dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, hơn 1 năm qua kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đây là dự án đường bộ có tính chất liên vùng, quy mô lớn, đa dạng hình thức và nguồn vốn, đã và đang được triển khai rất tích cực. Từ thực tế trên cho thấy khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP chưa thống nhất giữa Luật PPP và Nghị định 35. Cụ thể, chưa thống nhất về cơ quan lập thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

Đại biểu cho rằng, với đặc thù dự án công trình giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương, tương ứng với các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khác nhau, đan xen nguồn vốn khác nhau sẽ làm dự án khó được thực hiện hoàn thành, gây khó khăn cho các cơ quan chủ quản trong quá trình triển khai các hạng mục dự án.

Đại biểu đề nghị cần cập nhật bổ sung cơ chế đối với loại dự án theo hướng tách nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần hoặc tiểu dự án trong dự án tổng thể, giao các địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện.