Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần nhanh chóng giải quyết việc tranh chấp đất đai tại xã Mê Linh

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 17 năm từ khi có văn bản yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết mâu thuẫn do tranh chấp đất đai tại thôn 3 - Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Nhưng đến nay mọi việc vẫn nằm “đắp chiếu”, khiến đời sống của người dân liên quan gặp nhiều ảnh hưởng.

Mâu thuẫn nảy sinh

Báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn thư phản ánh của gia đình anh Phạm Đức Trường, trú tại Thôn 3 - Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội về việc tranh chấp đất đai với gia đình ông Nguyễn Duy Thịnh (hàng xóm của anh Trường).

Cụ thể, giai đoạn trước năm 2000, 3 gia đình gồm: Ông Phạm Đức Tỵ (bố anh Trường, nay đã mất để lại thừa kế mảnh đất cho anh Trường), ông Nguyễn Duy Lợi và ông Thịnh, cùng sử dụng một bờ ao rộng 3,5m, tổng diện tích 75,7m2 để làm lối chung (ông Thịnh dùng làm lối đi phụ do mặt tiền ngôi nhà đang ở có lối ra một con đường khác trong thôn - PV).

Tuy nhiên, sau một thời gian cùng chung sử dụng, ông Thịnh mặc nhiên coi lối đi đó là tài sản của riêng mình, nên đã xây dựng cổng ngõ kiên cố, từ đó, hai gia đình xảy ra mâu thuẫn. Trong khi gia đình ông Tỵ yêu cầu ông Thịnh phải tháo dỡ hạng mục công trình đã xây dựng, thì ông Thịnh lại nhất quyết giữ lại nhằm mục đích chiếm đoạt toàn bộ phần diện tích đất nêu trên, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện gay gắt xảy ra trong nhiều năm qua.

Phần cổng gia đình ông Nguyễn Duy Thịnh xây dựng trên lối đi chung cách đây 17 năm đã bị yêu cầu tháo dỡ, nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Doãn Thành
Phần cổng gia đình ông Nguyễn Duy Thịnh xây dựng trên lối đi chung cách đây 17 năm đã bị yêu cầu tháo dỡ, nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Doãn Thành

Ngày 11/1/2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc (thời điểm huyện Mê Linh chưa sáp nhập về TP Hà Nội - PV) đã ban hành Quyết định số 66/QĐ-CT về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình ông Phạm Đức Tỵ và Nguyễn Duy Thịnh, nội dung nêu rõ: Việc hai gia đình đề nghị được công nhận đối với toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp (75,7m2) thuộc quyền sử dụng của riêng mình là không có cơ sở để xem xét giải quyết; Giao UBND huyện Mê Linh yêu cầu ông Thịnh di chuyển cổng đã xây dựng vào vị trí phía trong liền khuôn viên đất thổ cư của gia đình mình, đồng thời chỉ đạo UBND xã Mê Linh và cơ quan liên quan quy hoạch làm đường đi chung cho các hộ liền kề đối với phần diện tích đất nêu trên.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, sau gần 17 năm, kể từ khi quyết định được ban hành, gia đình ông Thịnh vẫn không chấp hành tự tháo dỡ và kiên quyết giữ lại đất cùng tài sản trên đất làm sở hữu riêng và cũng trong chừng ấy thời gian, gia đình ông Tỵ đã liên tục làm đơn khiếu kiện đến các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Do xảy tranh chấp, nên hai gia đình vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đang sử dụng bao gồm nhà ở và công trình phụ trợ.

Có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm?

Qua tìm hiểu được biết, sau nhiều lần hòa giải không thành công, ngày 14/12/2012 (thời điểm này huyện Mê Linh đã được sáp nhập vào TP Hà Nội - PV), UBND huyện Mê Linh ban hành Văn bản số 5491/UBND-TNMT chỉ đạo thực hiện Quyết định số 66/2006/QĐ-CT của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng thay vì chấp hành, ông Thịnh lại viết đơn tố cáo lãnh đạo huyện Mê Linh lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giải quyết tranh chấp đất đai, vi phạm nhân quyền, trái pháp luật... khi chính quyền chấp thuận việc cho phép lực lượng chức năng đến để giải tỏa công trình trên diện tích 75,7m2. Kể từ đó đến nay, chính quyền và lực lượng chức năng huyện Mê Linh không có thêm động thái quyết liệt nào khác.

Cách đây hơn 1 năm, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện theo kết luận của Thanh tra TP, nhưng huyện Mê Linh vẫn chưa có động thái quyết liệt để xử lý dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Cách đây hơn 1 năm, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện theo kết luận của Thanh tra TP, nhưng huyện Mê Linh vẫn chưa có động thái quyết liệt để xử lý dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Trước diễn biến của sự việc có chiều hướng phức tạp, khiếu kiện kéo dài, nguy cơ xảy ra mất an ninh, trật tự tại địa bàn, nên tại Văn bản số 2489/VP-ĐT, ngày 29/3/2021 UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra TP vào cuộc tìm hiểu, xác minh và kiến nghị giải pháp xử lý. Trên cơ sở đó, ngày 19/4/2021 Thanh tra TP có Văn bản số 1727/TTTP-P1 báo cáo, kiến nghị phương án xử lý như sau: Đề nghị UBND TP giao UBND huyện Mê Linh yêu cầu hai bên tranh chấp giữ nguyên hiện trạng, vận động hòa giải, phân định lối đi và bờ ao tranh chấp. Trường hợp hai bên không thống nhất, căn cứ vào hồ sơ tài liệu còn lưu trữ và thực tế quản lý, sử dụng thì giải quyết theo Quyết định 66/2006/QĐ-CT của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Tiếp đó, ngày 5/5/2021 Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 4005/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, giao UBND huyện Mê Linh thực hiện theo hướng dẫn của Thanh tra TP.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Tạ Quang Rồng - Chủ tịch UBND xã Mê Linh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn là vấn đề này đang chờ ý kiến từ cơ quan cấp trên.

“Xã đã nắm được tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội nhưng hiện tại, chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo từ UBND huyện” - ông Tạ Quang Rồng cho hay.

Liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Mê Linh, được biết, huyện cũng đang chỉ đạo cho phòng, ban chuyên môn tiếp tục hòa giải. “Tôi đã chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện hòa giải giữa hai gia đình, khi có kết quả sẽ thông tin lại sau” - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nói.

Thiết nghĩ, việc tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Phạm Đức Tỵ và Nguyễn Duy Thịnh đã kéo dài gần gần 17 năm qua, nhưng không thể hòa giải do mâu thuẫn đã trở nên gay gắt, không chỉ ảnh hướng đến cuộc sống của hai gia đình, mà còn gây ra tâm lý hoang mang, tiêu cực đến những hộ dân sống xung quanh, khi hai gia đình thường xuyên xảy ra căng thẳng, có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại khu vực. Đề nghị UBND huyện Mê Linh chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và UBND xã Mê Linh sớm giải quyết theo các văn bản kết luận của cơ quan chức năng, tránh để khiếu kiện tiếp tục kéo dài.