Cần quy định rõ thẩm quyền của Thừa phát lại

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, hoạt động của các VP TPL ở Hà Nội đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận về số lượng việc cũng như doanh thu.

Nhiều VP ngày càng thu hút người dân sử dụng các dịch vụ của TPL. Tuy nhiên, rất cần các cơ chế bảo đảm phối hợp cho TPL hoạt động hiệu quả.

Giảm tải cho cơ quan thi hành án

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, 8 VP TPL ở Hà Nội đã thu về khoảng 9 tỷ đồng từ việc tống đạt văn bản và lập vi bằng. Với kết quả trên đã phần nào hạn chế tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan tòa án và thi hành án dân sự (THADS). Việc tống đạt cho các cơ quan, trong đó có THADS đã giúp giảm tải công việc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THA, giúp bảo đảm quyền lợi của các bên trong quá trình tổ chức THA, giảm khiếu nại, tố cáo trong THADS. Trong điều kiện Hà Nội vẫn thiếu Chấp hành viên dẫn đến tình trạng quá tải công việc như hiện nay, việc tống đạt văn bản của TPL càng trở nên ý nghĩa. Nhận xét về công việc này của TPL, nhiều lãnh đạo cơ quan THADS đánh giá rất cao, nhất là qua giai đoạn thí điểm, hoạt động của TPL ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả hơn.
 Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông kiểm tra hồ sơ trước khi tống đạt văn bản. Ảnh: Văn Trọng
Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp Hà Nội, đến nay, Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL chưa được Chính phủ ban hành, các hoạt động của TPL và cơ quan quản lý Nhà nước vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành. Vì vậy có nhiều khó khăn cho TPL và cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có việc phải kiểm soát đối với hoạt động lập vi bằng của các VP TPL. Bên cạnh đó, các quy định về chế tài xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động TPL chưa có, nên các quy định hiện hành về xử lý vi phạm đối với hoạt động TPL mới chỉ dừng lại ở quy định chung. Do vậy, việc áp dụng đối với một số vi phạm của TPL, VP TPL mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, chấn chỉnh. Ngoài ra, TPL chưa hoàn thiện về mặt thể chế, việc phê duyệt của Bộ Tư pháp đối với “Đề án thực hiện chế định TPL tại TP Hà Nội” cũng chưa thực hiện. Do đó, việc tiếp tục triển khai mở rộng và quy hoạch các địa bàn tống đạt văn bản cho các VP TPL cũng chưa được thực hiện một cách hoàn thiện, triệt để nên chưa phát huy hết khả năng của các VP TPL.

Quy định rõ thẩm quyền của Thừa phát lại

Để các VP TPL hoạt động hiệu quả, Sở Tư pháp đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL trình Chính phủ xem xét, ban hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế đối với việc thực hiện chế định này. Đồng thời, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định và Thông tư ban hành Bộ Quy tắc đạo đức hành nghề TPL; Hoàn thiện các quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TPL để tạo điều kiện cho cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các tổ chức hành nghề thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ Tư pháp sớm phê duyệt Đề án “Thực hiện chế định TPL trên địa bàn TP Hà Nội” để Sở Tư pháp kịp thời triển khai, đẩy mạnh hoạt động TPL phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.

Các TPL Hà Nội cũng mong muốn cần quy định rõ thẩm quyền của TPL, nghiên cứu, xem xét trao quyền lớn hơn cho TPL cũng như các cơ chế bảo đảm phối hợp cho TPL hoạt động hiệu quả. Bản thân các VP TPL cần nâng cao tính chuyên nghiệp, chủ động hơn trong công tác phối hợp, phát huy những cách làm mới để có thêm sự lựa chọn cho người dân trong việc xác minh điều kiện và tổ chức THA. Đồng thời, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức THA; giảm tải cho cơ quan THADS, nâng cao hiệu quả công tác này.

Pháp luật về TPL mới chỉ ở mức Nghị định của Chính phủ, trong khi THADS và các ngành liên quan thì thực hiện theo Luật, cho nên khi thực hiện có rất nhiều xung đột pháp luật không thể giải quyết được. Hơn nữa, Nghị định về tổ chức và hoạt động của TPL, khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của TPL cũng chỉ quy định: Khi thực hiện công việc về THADS, TPL có quyền như Chấp hành viên, quy định tại Điều 20 Luật THADS... Về nguyên tắc, quy định như vậy là đúng, nhưng với những người, cơ quan, tổ chức chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều tới THADS thì việc tham chiếu Luật THADS để hiểu việc TPL thực hiện quyền như Chấp hành viên là cực kỳ khó.

Ông Nguyễn Văn Lạng - Trưởng VP TPL quận Ba Đình

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần