Cần quy định rõ tình huống cấp bách trong y khoa khi đấu thầu mua thuốc

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị cần có quy định rõ tình huống cấp bách trong y khoa, để từ đó cho phép cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật, kịp thời có thuốc phục vụ người bệnh.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu

Ngày 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy về chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 30/9. Ảnh: Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi giám sát.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 30/9. Ảnh: Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi giám sát.

Tại buổi làm việc, ông Tôn Văn Tài - Trưởng đơn vị đấu thầu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đối với giá trang thiết bị y tế, vật tư y tế thì không nên là “giá thấp nhất”, cần quy định rõ giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu thực tế của các cơ sở y tế, chuyên khoa, từng hạng bệnh viện và cần quy định rõ các bước, hội đồng có thẩm quyền xác định nhu cầu điều trị thực tế của đơn vị.

Ông Tô Văn Tài cho biết thực tế các hàng hoá phục vụ cho điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Nếu chỉ cho phép chọn “giá rẻ nhất” khi mua sẽ khó có hàng tốt để phù hợp với mô hình, bệnh tật của từng bệnh viện và người bệnh.

Ông Tô Văn Tài cũng kiến nghị cho phép các bệnh viện từ hạng 1 trở lên được chọn thương hiệu trong việc mua các thiết bị điều trị kỹ thuật cao có tính chuyên sâu, phù hợp với nhân lực của cơ sở y tế và phù hợp với bệnh tình của bệnh nhân. Ngoài ra, cần quy định chi tiết thế nào là tình huống cấp bách trong y khoa, tổ chức nào trong cơ sở y tế được thẩm quyền xác định tình huống cấp bách, để từ đó cho phép các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định, nhằm kịp thời có thuốc phục vụ bệnh nhân và tránh được việc lạm dụng chỉ định thầu, bảo vệ được cán bộ lãnh đạo quản lý.

Đối với các loại thuốc hiếm, thuốc nhập theo hạn ngạch như thuốc Protamin sulfat dùng trong phẫu thuật tim mạch, vẫn bị thiếu trong thời gian vừa qua và hiện nay trên thị trường không có. Nếu đầu thầu rộng rãi sẽ mất khoảng 3 tháng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh nhân. Để giải quyết tình trạng này, theo ông Tô Văn Tài, các loại thuốc hiếm, thuốc đặc trị thì Bộ Y tế cần đưa vào danh mục mua sắm tập trung, hoặc cho phép mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn (có danh sách nhóm thuốc cụ thể) để đảm bảo có thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân.

Bệnh viện gặp khó khi tự chủ tài chính

Cũng theo ông Tôn Văn Tài, ngoài những khó khăn trong đấu thầu mua thuốc và trang thiết bị y tế, bệnh viện còn gặp khó khăn trong vấn đề tự chủ tài chính trong thời gian qua. Trước đây, theo Nghị định 85 về cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh, sẽ có 7 cấu phần nhưng đến nay khung giá chỉ mới tính 4/7 cấu phần.

Ông Tôn Văn Tài kiến nghị cần quy định chi tiết tình huống cấp bách trong y khoa, để từ đó các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định
Ông Tôn Văn Tài kiến nghị cần quy định chi tiết tình huống cấp bách trong y khoa, để từ đó các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định

Cụ thể, về thuốc và vật tư tiêu hao thanh toán riêng thì được thanh toán bằng giá mua vào. Nhưng đối với thuốc, vật tư tiêu hao thanh toán riêng thì tính theo mức giá tại thời điểm đầu tiên ban hành khi xây dựng giá dịch vụ. Trong khi giá dịch vụ vật tư tiêu hao thường thay đổi giá theo hằng năm, nhưng mức giá này lại không được cập nhật. Trường hợp giá vật tư tiêu hao có cao hơn cũng không được tính vào, gây thiệt cho bệnh viện.

Đối với chi phí điện, nước cũng chỉ tính theo mức giá tại thời điểm ban hành giá. Nhưng khi điện, nước tăng lại không được tính vào giá dịch vụ, trong khi giá điện, nước thay đổi theo giá của Nhà nước. Về chi phí duy tu bảo dưỡng được tính giá dịch vụ từ 2% - 5%. Nhưng hầu hết trang thiết bị tại bệnh viện có thời gian sử dụng lâu dài, thiết bị có tuổi đời cao chi phí duy tu bảo dưỡng tăng cao, vượt mức 2% - 5% trong cơ cấu giá dịch vụ. Bên cạnh đó là chi phí tiền lương chỉ tính cho bộ phận trực tiếp (bác sĩ và điều dưỡng) trên mức tiền lương cơ bản cùng một số phụ cấp, nhưng chưa tính cho bộ phận gián tiếp, chưa tính phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại…

Đối với 3/7 cấu phần còn lại là khấu hao tài sản; chi phí bộ phận gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành bệnh viện; chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ nhưng chưa được tính vào giá dịch vụ y tế. Trong khi đó, đến nay giá dịch vụ y tế vẫn chưa được ban hành, khiến cho bệnh viện không đủ cơ sở để ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Trước những khó khăn trong tự chủ tài chính, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy đã đề xuất cần xác định lại thành phần cơ cấu dịch vụ y tế, đảm bảo thanh toán đủ 7 cấu phần trong giá dịch vụ y tế. Về phía Bảo hiểm y tế cũng nên xem xét tổng mức thanh toán giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Nghị định 146. Vì bác sĩ phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ như: Chọn thuốc trong và ngoài danh mục Bảo hiểm y tế chi trả, thuốc thanh toán theo tỷ lệ, nhằm tránh vượt hạn mức chi phí thanh toán. Nếu vượt tổng mức thanh toán sẽ không được thanh toán, dẫn đến bệnh viện giảm thu.

Sau khi lắng nghe các kiến nghị của phía Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã đánh giá cao những đóng góp của y bác sĩ bệnh viện. Bà Bạch Tuyết cũng cho biết Đoàn giám sát sẽ có ý kiến đề xuất với Quốc hội về những kiến nghị của Bệnh viện Chợ Rẫy về vấn đề liên quan tự chủ bệnh viện, vấn đề đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế nhằm giải quyết nhanh những bức xúc hiện nay.