Tỉnh Phú Thọ: khẩn trương phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông vừa ký ban hành Văn bản số 437/UBND-NNMT, yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch.

Lực lượng chức năng liên ngành triển khai biện pháp kiểm soát, ngăn chặn DTLCP tại xã Phú Khê, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ.
Chỉ đạo toàn diện, ngăn chặn dịch lây lan
Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến ngày 16/7, DTLCP đã xuất hiện tại 21 xã trong toàn tỉnh Phú Thọ, ảnh hưởng đến 168 hộ chăn nuôi, khiến 1.081 con lợn ốm, chết, buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 59 tấn. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát và lan rộng là rất cao, đặc biệt tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương đôn đốc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý triệt để, không để người dân bán chạy, giấu dịch hay vứt xác lợn chết ra môi trường gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, rà soát, thống kê tổng đàn lợn, tình hình tiêm phòng vắc xin DTLCP; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc, nhất là tiêm phòng cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng khu vực chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất.
Công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ, buôn bán sản phẩm từ lợn cũng được tăng cường. Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt tại các chợ, cơ sở giết mổ, cửa ngõ giao thông với các tỉnh có dịch… Kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, lợn ốm, chết.
Lực lượng kiểm soát thú y bám sát địa bàn, xử lý nghiêm vi phạm
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu lực lượng kiểm soát thú y các cấp bám sát cơ sở, chủ động giám sát, báo cáo đầy đủ, kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, báo cáo chậm gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Tùy theo tình hình thực tế, thành lập các tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở; tổng hợp, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo phù hợp.

Lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ phối hợp lập chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát chặt việc giết mổ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, không để vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch. Ảnh: Công an Phú Thọ.
UBND các xã, phường được giao tăng cường kiểm tra, giám sát từng hộ chăn nuôi; lập danh sách, nắm rõ tổng đàn lợn trên địa bàn, tuyên truyền vận động người dân chủ động khai báo khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân để xác định nguyên nhân, xử lý kịp thời. Đồng thời, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch theo quy định. Chủ tịch UBND cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh bùng phát, lan rộng do chậm trễ, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, xử lý.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ, ngành đã thành lập 8 tổ công tác bám sát địa bàn; ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng, chống DTLCP; hướng dẫn các xã đăng ký nhu cầu hóa chất khử trùng. Đến nay, đã cấp 168 lít hóa chất cho các xã có dịch, tiếp nhận và xử lý 5 vụ vi phạm liên quan vận chuyển, giết mổ trái phép, tiêu hủy 231 con lợn vi phạm, tổng trọng lượng gần 20 tấn.
Hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra, giám sát dịch bệnh vẫn đang được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các địa phương đang khẩn trương rà soát, bổ sung kinh phí cho công tác tiêm phòng và sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Phú Thọ: nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn
Kinhtedothi - Chiều 16/7, Trung tá Lường Văn Ước, Trưởng Công an xã Đức Nhàn, tỉnh Phú Thọ, cho biết, đơn vị cùng các lực lượng phối hợp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn trôi.
Phú Thọ: nhiều vướng mắc cần tháo gỡ cho các trung tâm hành chính công
Kinhtedothi - Sau hơn 2 tuần chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh Phú Thọ, bao gồm trung tâm cấp tỉnh và 148 trung tâm cấp xã, phường, đã cơ bản vận hành ổn định.
Phú Thọ: huy động hơn 2.000 đoàn viên tham gia tiếp sức hành chính công
Kinhtedothi - Thực hiện Tháng cao điểm tình nguyện, đồng loạt 148 đoàn xã, phường tại tỉnh Phú Thọ đã triển khai đội hình “Thanh niên tiếp sức hành chính công”. Hơn 2.000 đoàn viên, sinh viên và học sinh cùng công chức trẻ đã trực tiếp tham gia hỗ trợ tại các trung tâm một cửa.