Cần sớm hình thành thị trường điện cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những tháng gần đây, nhiều người dân cho biết hóa đơn tiền điện của gia đình mình tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần.

Tuy nhiên, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) Nguyễn Thu Phương cho biết: "Thời gian qua, cũng có một số trường hợp gửi đơn khiếu nại cho Tổng Công ty, ngay sau đó, EVN HANOI đã cử người xuống tận nơi để kiểm tra. Tuy nhiên, các trường hợp người dân khiếu nại hoàn toàn không có trường hợp nào ngành điện tính nhầm hóa đơn. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân dùng điều hòa quá nhiều, vì thời tiết nắng nóng. Sau khi được giải thích, hầu hết khách hàng đều cho đó là hợp lý".

Liên quan đến biểu tính giá điện lũy tiến, tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương tháng 6, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, biểu tính giá này được đưa ra và căn cứ theo các quy định cũng như chủ trương chính sách của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), ngành điện của Việt Nam còn đầy rẫy mâu thuẫn lợi ích nội tại. Theo đó, Bộ Công Thương vừa quản lý vừa làm chính sách và lại là chủ sở hữu điều hành EVN. Phần mình, EVN vừa sản xuất, phân phối và bán lẻ. Vì vậy, trên thực tế, Bộ Công Thương chưa bao giờ từ chối đề xuất tăng giá điện của EVN. Do vậy, vấn đề cốt lõi là cải cách thể chế, cần có cơ quan độc lập, tách khỏi chức năng chủ sở hữu của Bộ này. Cơ quan độc lập này có thể trực thuộc Quốc hội hoặc Ủy ban MTTQ. “Chúng ta đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nguyên tắc cái nào thị trường tự định giá thì để thị trường tự quyết. Những thứ gì cạnh tranh được thì thiết lập cạnh tranh và Nhà nước chỉ quản lý ở khâu độc quyền tự nhiên” - ông Cung nhấn mạnh đến việc cần sớm hình thành thị trường điện lực cạnh tranh. Đây mới thực sự là việc làm cấp bách để tạo sự cạnh tranh trên thị trường điện, bảo đảm tính công khai, minh bạch của giá điện.