Cần tăng nặng chế tài xử phạt xe vi phạm

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những chuyến xe chở hàng hóa hạng nặng nhưng không chằng buộc cẩn thận đang trở thành mối hiểm họa khôn lường với người đi đường khi tai nạn có thể từ... trên thùng xe rơi xuống đầu họ bất cứ lúc nào.

 Hiện trường vụ xe chở khối bê tông rơi xuống đè chết người đi xe máy ở Bắc Giang (Ảnh: Lê Thanh).

Khi “thần chết” rình rập trên thùng xe

Hoảng 17 giờ ngày 6/12, anh Vũ Đức H. (SN 1994, trú tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển xe máy mang BKS 22FA - 008.69, lưu thông trên đường gom dân sinh thuộc địa phận thôn Đạo Ngạn 1, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Cùng thời điểm trên, xe đầu kéo mang BKS 29H - 481.94 kéo theo rơmoóc 29R - 082.80 chở nhiều khối bê tông ép cọc do tài xế Phạm Quang Huy (SN 1996, trú tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đi tới. Bất ngờ khối bê tông trên xe đầu kéo rơi xuống đường, đè trúng cả xe và người khiến anh Vũ Đức H. tử vong tại chỗ. Tại hiện trường là cảnh tượng kinh hoàng khi cả người và phương tiện đều bị các khối bê tông lớn đè vùi lấp, thi thể nạn nhân bị biến dạng.

Đây không phải lần đầu tiên những vụ tai nạn do xe chở hàng hóa hạng nặng, cồng kềnh không chằng buộc chắc chắn, lưu thông trên đường gây ra. Cách đây không lâu, vào tháng 10/2021, một clip ngắn do tài khoản facebook Tùng Thanh Hà đăng tải quay lại cảnh cabin xe ô tô BKS 72C - 028.xx bẹp dúm trên một tuyến đường khu vực phía Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt trên diễn đàn mạng xã hội có gần một triệu thành viên.

Nguyên nhân từ việc xe ô tô trong quá trình chở cuộn tôn với khối lượng ước khoảng 20 tấn, bất ngờ gặp người đi bộ qua đường ẩu, tài xế đạp phanh gấp khiến cuộn tôn đứt dây chằng lăn về phía trước và đè bẹp cabin. Cho dù trong vụ tai nạn trên, tài xế xe ô tô BKS 72C - 028.xx đã may mắn thoát nạn nhưng vụ việc này một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo về những “hung thần di động” vẫn hàng ngày, hàng giờ tự do đi lại trên đường.

Xa hơn một chút, vào 13/6/2020, một chiếc xe đầu kéo kéo theo rơ moóc lưu thông trên tuyến đường Ngô Quyền, hướng từ cảng Tiên Sa đi cầu Tiên Sơn. Khi đến vòng xoay phía đông cầu Sông Hàn, 2 cuộn thép nặng cả tấn trên xe bất ngờ văng ra, rơi xuống đường. Do xe lưu thông tốc độ cao nên một cuộn thép văng xa hàng chục mét đến vỉa hè Trung tâm thương mại Vincom mới dừng lại.

Rất may, thời điểm trên vắng phương tiện lưu thông trên đường nên không xảy ra tai nạn. May mắn một lần nữa đến với người vận chuyển khi không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, sự việc khiến nhiều người không khỏi lo lắng và đặt câu hỏi, nếu như những cuộn thép nặng hàng tấn, hàng tạ rơi kia vào người đi bên cạnh thì hậu quả sẽ khôn lường ra sao?

 Những chiếc xe chở hàng hạng nặng, cồng kềnh, chằng buộc thiếu chắc chắn đang là ẩn họa lớn về tại nạn trên đường (Ảnh: Hòa Thắng).

Cần tăng nặng chế tài xử phạt

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện chế tài xử phạt đối với hành vi chở hàng cồng kềnh, không chằng buộc để rơi xuống đường gây tai nạn được quy định rất cụ thể.

Điều 20 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe. Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn báo hiệu.

Trong khi đó, tại Điều 24 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm thì vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng.

Còn hành vi chở container trên xe (kể cả sơ mi rơ moóc) mà không sử dụng thiết bị để định vị chắc chắn container với xe hoặc cơ sử dụng thiết bị nhưng container vẫn bị xê dịch trong quá trình vận chuyển sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3000.000 đồng, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

“Chế tài xử phạt là rất rõ ràng nhưng nhiều lái xe và chủ xe vẫn bỏ qua nên mới xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếng như vậy” – luật sư Bùi Đình Ứng nói và cho rằng cần tăng nặng thêm mức độ xử phạt nhằm tăng thêm tính răn đe. Bởi, theo chuyên gia pháp lý này, rõ ràng mức phạt hiện nay vẫn còn quá nhẹ nếu so với hậu quả nghiêm trọng mà những chiếc xe chở hàng hạn nặng thiếu chằng buộc chắc chắn có thể gây ra.

“Không ít vu tai nạn chết người do đã xảy ra từ những trường hợp vi phạm này gây ra rồi. Hậu quả của hành vi gây ra là rất lớn thì chế tài xử phạt cũng phải thật nặng mới có tính răn đe” – luật sư Bùi Đình Ứng nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Văn Thạch - nguyên Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cho rằng, theo quy định thì hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ phải được dàn đều, không xếp lệch về một phía và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển. Kể cả đối với hàng rời, hàng bao kiện, hàng trụ ống hiện cũng có các quy định cụ thể riêng.

Tuy nhiên, trong quá trình chằng buộc hàng hóa, chủ phương tiện, chủ hàng thường có sự chủ quan, chằng buộc thiếu chắc chắn; Hoặc sử dụng thiết bị chằng buộc không chắc chắn dẫn đến quá trình phương tiện di chuyển dây bị đứt và hàng hóa rơi xuống đường khiến tai nạn xảy ra. Những vấn đề này rất cần được các cơ quan chức năng lưu tâm và phải xử lý thật nghiêm minh, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cũng như tính mạng của người đi đường.

“Quá trình thực thi công vụ, xử lý vi phạm cần được siết chặt hơn, không thể để tình trạng hàng nặng chục tấn nhưng dây chằng chỉ như “sợi chỉ” rồi vô tư phóng trên đường, rơi lúc nào không biết” – chuyên gia Nguyễn Văn Thạch nói.