Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cẩn thận khi cho trẻ học trực tuyến

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin bé trai 10 tuổi ở Hà Nội tử vong khi học trực tuyến trên máy tính khiến các bậc phụ huynh hoang mang. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho con trẻ khi học trực tuyến là câu hỏi đang được dư luận quan tâm.

Tai nạn thương tâm
Vụ việc xảy ra vào sáng 10/9. Bé trai H.H.D (sinh năm 2012; nhà ở phường Hạ Đình), là học sinh trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa).
 Hiện trường vụ tai nạn bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị điện giật tử vong. 
Được biết, trong lúc bố đi ra ngoài, bé trai đang ở nhà học trực tuyến, đã lấy một vật dụng cắm vào ổ điện, không may bị điện giật tử vong thương tâm. Bố của cháu bé khi đi vào phòng phát hiện sự việc, đưa cháu bé đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Vụ việc đã khiến cho nhiều phụ huynh giật mình bởi không ít người vẫn đang để con ''tự bơi'' trong những ngày học trực tuyến. Trước đó không ít trường hợp vừa sử dụng các thiết bị điện tử vừa sạc đã khiến vật dụng phát nổ gây thương vong cho người sử dụng.
Cụ thể, chiều 21/7/2021, cháu T.M.K. (SN 2014, TP Uông Bí, Quảng Ninh) bị điện giật tử vong. Cháu K. được người nhà phát hiện nằm bất tỉnh trên nền đất, người có vết bỏng cháy và đè lên điện thoại đang sạc pin tại phòng ngủ. Mặc dù đã gia đình đã tiến hành sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng cháu K. không qua khỏi.
Hồi tháng 2/2021, anh Đinh Văn Khăn (25 tuổi, ở xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) vừa sạc pin điện thoại vừa xem video trên Youtube thì bất ngờ điện thoại phát nổ, thương tích nặng tại bàn tay, vùng mặt và bàn chân phải.
Hiện nay học sinh nhiều nơi đang phải học trực tuyến nên nhu cầu sử dụng các thiết bị như laptop, ipad, điện thoại càng cao, cùng với thời gian học kéo dài khiến các em vừa học vừa phải sạc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Lưu tâm việc học trực tuyến của trẻ
Để tránh những tai nạn xảy ra, phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm trước khi bàn giao thiết bị cho con cái mình sử dụng, có thể nâng cấp thiết bị điện tử trẻ đang dùng học trực tuyến để đảm bảo an toàn, tránh rơi vào tình huống vì đồ điện kém chất lượng tạo ra hở điện, cháy nổ khi sử dụng
Phụ huynh nên nhắc nhở, lưu ý về nguy cơ điện giật, cảnh báo trẻ không tiếp xúc với những nguồn điện như ổ cắm điện, dây kết nối các nguồn điện… Không dùng hay tiếp xúc với các chất dẫn điện.
Trước khi bắt đầu buổi học trực tuyến, phụ huynh nên kiểm tra thiết bị điện, điện tử đã đóng cắt điện đúng cách chưa, yêu cầu trẻ giữ khoảng cách với nguồn điện. Khi xảy ra sự cố về điện phải liên hệ trực tiếp với bố mẹ tuyệt đối không được tự ý sửa chữa.
Với các em học sinh có tính hiếu kì thường tò mò kiểm tra máy móc, nguồn điện do đó cần thường xuyên nhắc nhở trẻ về tai nạn điện giật, giám sát, theo dõi quá trình học của con để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Theo các chuyên gia về công nghệ, để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện thoại thì cần hạn chế bật mạng di động (3G/4G) hoặc wifi liên tục để tránh gây bức xạ lớn khi dùng. Không cắm sạc khi điện thoại đang bị ướt vì có thể gây chập, cháy hay rò rỉ điện, không chơi game, chạy các chương trình nặng khi đang sạc.
Đối với việc sử dụng laptop và khắc phục hiện tượng laptop bị giật điện, nhất là các laptop có vỏ bằng kim loại thì có thể sử dụng Adapter ba chấu nhằm loại bỏ dòng điện rò rỉ gây sốc cho laptop, rút phích cắm laptop trước khi kết nối các phụ kiện, thay pin mới...