Nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, hiện nay, công tác bảo vệ, phòng cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng, hanh khô kéo dài dễ xảy ra cháy rừng. Đáng nói, diện tích rừng trên địa bàn TP hầu hết có thảm thực bì khá dày, nhiều khu vực có thảm thực bì cao đến hơn 1m. Trong khi đó, lượng người vào rừng hiện nay với số lượng khá đông chủ yếu là khách du lịch, song ý thức bảo vệ, phòng cháy rừng rất kém. Không ít trường hợp thường xuyên vẫn bất cẩn trong việc sử dụng lửa, tùy tiện bỏ tàn thuốc lá…
Diễn tập chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ánh Ngọc |
Đội Cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng (Ban Quản lý Rừng đặc dụng – phòng hộ Hà Nội) gồm 10 thành viên với vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đây cũng là lực lượng có mối liên kết mật thiết với chính quyền, các chủ rừng và người dân địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Nhờ duy trì thường xuyên nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và ứng trực 24/24h đối với cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp độ 3 nên các vụ cháy rừng đều được phát hiện, xử lý kịp thời, không để xảy ra thiệt hại lớn.
Tham gia từ những ngày đầu thành lập Đội cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng (năm 2003), anh Nguyễn Phúc Minh chia sẻ, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đươc giao và nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ, PCCCR, đội phân chia phụ trách bám sát địa bàn và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên với 2-3 người phụ trách 1 xã có rừng. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của các thành viên trong đội đội cơ động hiện nay rất thiếu thốn về phương tiện chuyên dụng cũng cơ chế hỗ trợ nhân lực tham gia chữa cháy.
“Khi xảy ra cháy rừng, các thành viên trong đội vẫn phải dùng xe máy cá nhân để chở phương tiện chữa cháy cơ động, ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian tiếp cận đám cháy. Đội đã nhiều lần kiến nghị với Sở NN&PTNT đề xuất TP trang bị thêm phương tiện là xe ô tô bán tải chuyên dụng chở các thiết bị chữa cháy cơ động một cách nhanh nhất, kịp thời nhất để phục vụ xử lý đám cháy, song đến nay chưa được TP đồng ý” – anh Nguyễn Phúc Minh cho hay.
Một điều đáng lưu tâm nữa là, ngoài khoản tiền lương hàng tháng, Đội cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng hoàn toàn không có thêm bất cứ một cơ chế hỗ trợ nào. Trong khi nhiệm vụ chữa cháy rừng mang tính chất nguy hiểm do phải tiếp xúc gần với lửa; các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm nên việc di chuyển, tiếp cận, tổ chức phương pháp dập lửa hết sức khó khăn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, thêm cơ chế hỗ trợ
Theo Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Nguyễn Tiến Lâm, để giải quyết được vấn đề “gốc rễ” trong bảo vệ, phòng cháy rừng, thực tế cho thấy, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng cháy rừng. Đây là biện pháp đã được Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thực hiện thường xuyên, song vẫn cần được quan tâm tăng cường hơn nữa, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm thường xảy ra cháy rừng.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Nôi tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ, phòng cháy rừng cho học sinh trên địa bàn huyện Sóc Sơn (năm 2020). Ảnh: Đức Duy |
Xác định tuyên truyền theo hướng “mưa dầm thấm lâu” để ý thức về phòng cháy rừng, bảo vệ rừng đối với người dân được nâng lên, đặc biệt trong thời kỳ thời tiết nhiệt độ cao, nắng nóng, khô hanh, gió thổi mạnh. Trong đó là trọng tâm là tuyên truyền về vai trò của công tác bảo vệ rừng đối với cuộc sống, môi trường sống của người dân, làm sao để người dân hiểu được giá trị của rừng để từ đó tự giác nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng.
Nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên đề xuất, các huyện, thị xã có rừng cần tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, trong đó chú trọng đến chính sách nâng cao đời sống người dân làm nghề rừng, người dân sinh sống trong khu vực gần rừng. Như vậy, người dân sẽ gắn bó với rừng, chủ động tham gia bảo vệ rừng. Mặt khác, trong những ngày nắng nóng, khô hanh, cấp dự báo cháy rừng ở cấp 4 (cấp nguy hiểm) và cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), chính quyền địa phương cần phối hợp với lực lượng Kiểm lâm để hướng dẫn chủ rừng thực hiện xử lý thực bì để giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; đồng thời làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hiện tại, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đang đề nghị TP trang bị phương tiện chuyên dùng cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng theo tiêu chuẩn định mức. Đồng thời, đề xuất TP tăng nguồn kinh phí hỗ trợ lực lượng trực chòi canh lửa rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng và tăng thù lao cho lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi sử dụng lửa bất cẩn gây nên những hậu quả nghiêm trọng để mang tính răn đe. Đây chính là bài học đắt giá cho những ai còn lơ là, chủ quan khi sử dụng lửa gần rừng, dẫn đến cháy rừng. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên |