Từ vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh):

Cần thêm những sáng kiến thiết thực đảm bảo an ninh an toàn trong bệnh viện

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc một bác sĩ bị bạo hành tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh).

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ nhân viên y tế, ngăn chặn nạn bạo hành, các công đoàn cơ sở tiếp tục đề xuất những giải pháp, sáng kiến thiết thực nhằm hạn chế tối đa việc người nhà bệnh nhân xâm phạm cũng như xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế.

Điều tra, đề xuất hướng xử lý nghiêm

Mới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam đã có Công văn số 210/CĐYT về việc báo cáo trường hợp cán bộ y tế (CBYT) bị bạo hành tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Theo thông tin báo chí có bài viết phản ánh 1 bác sĩ đang công tác tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong khi đang thực hiện nhiệm vụ đã bị người nhà bệnh nhân hành hung.

Để thực hiện tốt công tác chăm lo đoàn viên công đoàn, đồng thời thực hiện mục tiêu trọng tâm của Chương trình Bảo vệ Blouse trắng, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị Công đoàn ngành Y tế TP Hồ Chí Minh xác minh, đồng thời có báo cáo về vụ việc nêu trên. Trên cơ sở đó, Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ đề xuất sự vào cuộc của các cơ quan chức năng (nếu vụ việc chưa được giải quyết thỏa đáng).

Liên quan đến vụ việc này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 943/KCB-QLCL&CĐT gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về việc xử lý sự vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Công văn nêu rõ, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã nhận được thông tin phản ánh từ các phương tiện truyền thông và báo cáo nhanh qua đường dây nóng bệnh viện và Sở Y tế về vụ người nhà người bệnh hành hung bác sĩ trong ca trực lúc 21 giờ ngày 27/7/2022 tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh. 
Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh. 

Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhận thấy, đây là sự việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần và danh dự của bác sĩ trực tiếp bị hành hung trong lúc đang hành nghề cũng như các thầy thuốc, nhân viên y tế khác. Đồng thời, sự việc cũng gây mất an ninh, an toàn và trật tự tại nơi khám chữa bệnh cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, thời gian khám, chữa bệnh cho người bệnh khác.

Vì vậy, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sớm tiến hành xác minh sự việc, báo cáo cụ thể về Bộ Y tế. Cùng với đó, phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra và đề xuất hướng xử lý nghiêm đối với hành vi sai phạm về việc người nhà bệnh nhân to tiếng, quát tháo và bóp cổ bác sĩ P.H.T. - công tác tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) trong ca trực vào tối 21 giờ ngày 27/7.

Ngoài ra, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế TP động viên kịp thời đối với người hành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ hành hung.

Có biện pháp ngăn ngừa hành vi xâm phạm

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm cho rằng, đây là một trong những vấn đề không phải bây giờ mà trước đây cũng đã có nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế. Những vấn đề đảm bảo an ninh an toàn trong các cơ sở y tế, bảo vệ cho y bác sĩ, nhân viên y tế,… là nhiệm vụ được các đơn vị coi trọng và được Sở Y tế Hà Nội thường xuyên quán triệt.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã phối hợp với Công an TP chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với công an trên địa bàn để có những phương án bảo vệ an ninh an toàn cho cơ sở y tế, đặc biệt là nhân viên y tế. Thời gian tới, công đoàn cơ sở sẽ phối hợp với các Thủ trưởng đơn vị có những biện pháp hạn chế tối đa việc người nhà bệnh nhân có hành vi hành động xâm phạm đến thân thể cũng như xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế để nhân viên y tế yên tâm công tác chuyên môn khám chữa bệnh.

“Nhân viên y tế hàng ngày trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, những vụ việc xâm phạm đến sức khỏe, an ninh an toàn không phải là vấn đề mới của ngành y tế. Tuy nhiên, sự việc này, Sở Y tế, chính quyền địa phương cũng đang đưa ra nhiều biện pháp đặc biệt là chỉ đạo các đơn vị trong ngành. Công đoàn cũng tham gia vì liên quan đến đoàn viên, người lao động. Công đoàn cơ sở cũng phải có vai trò đưa ra các biện pháp phối hợp với chính quyền đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên y tế.

Liên quan đến vấn đề này, nhiệm vụ chủ yếu của lãnh đạo đơn vị, chính quyền các địa phương phải có những biện pháp, có cách thức làm sao để ngăn ngừa không xảy ra những tình trạng hành hung, xúc phạm đến nhân viên y tế cũng như các cơ sở khám chữa bệnh” - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cho hay.

Đề cập đến vấn đề này, Phó phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Đỗ Hồng Thanh cho rằng, thời gian qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đã có sáng kiến thiết lập hệ thống báo động đỏ trong bệnh viện để ngăn chặn hành vi hành hung y bác sĩ của người nhà người bệnh. Hệ thống báo động đỏ này được kích hoạt nội bộ trong bệnh viện. Nếu nhân viên y tế gặp sự cố gây mất an ninh, an toàn tại khu vực nào sẽ bấm chuông báo động đỏ về an ninh và ngay lập tức bộ phận phụ trách vấn đề an ninh bệnh viện sẽ có mặt để giải quyết. Hệ thống này được tập huấn và rà soát định kỳ, bảo đảm toàn bộ quy trình được xử lý chặt chẽ nhằm hạn chế mức tối đa sự cố mất an toàn xảy ra tại bệnh viện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần