Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thiết cho khởi nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong hội thảo về giáo dục kinh doanh trong trường THPT tại Việt Nam diễn ra sáng 8/1, rất nhiều quan điểm bày tỏ ý tưởng đưa nội dung giáo dục kinh doanh (GDKD) vào dạy đại trà tại các trường phổ thông.

Sẽ đưa vào dạy đại trà

Hàng năm, trung bình có khoảng 30% HS tốt nghiệp THCS xong là đi làm. Tỷ lệ này ở cấp THPT cũng vào khoảng 30 - 40%. Rõ ràng, nếu được định hướng, trang bị sớm những kiến thức, kỹ năng cần thiết về nghề nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, việc khởi nghiệp của những thế hệ tương lai sẽ thuận lợi hơn nhiều. Hơn nữa, chủ trương của Bộ GD&ĐT là đẩy mạnh phân luồng, góp phần cân đối tỷ lệ "thừa thầy, thiếu thợ" hiện tại. 

Từ năm 2007, nội dung GDKD đã được đưa vào dạy thí điểm tại các trường THPT và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp của các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Phước, Trà Vinh. Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sau khi học, HS không chỉ có được các khái niệm về kinh doanh mà quan trọng hơn, có những kỹ năng để vận dụng trong cuộc sống như kỹ năng tìm kiếm các giải pháp giải quyết các vấn đề thực tế, kỹ năng tự tạo việc làm, về vai trò của giới trẻ trong việc định hình tương lai của bản thân cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước... 

Cần thiết cho khởi nghiệp - Ảnh 1

Hướng nghiệp cho học sinh có sở thích, năng khiếu khi thi váo các trường ĐH, CĐ để có được nguồn nhân lực chất lượng cao.  Trong ảnh  Học sing trường THPT Hai Bà Trưng  Ảnh  Ngọc Bích

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2013 - 2014 nội dung này sẽ được triển khai tại các trường THPT của 15 tỉnh, thành phố, mỗi địa phương chọn 10 trường để triển khai. Và kinh nghiệm của việc GDKD trong trường học sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi, áp dụng cho giai đoạn 2 từ năm học 2015 - 2016.

Môn học độc lập hay tích hợp?

Vấn đề hiện nay là đưa GDKD vào giảng dạy đại trà tại các trường phổ thông ở Việt Nam như thế nào để đạt hiệu quả, nhất là trong điều kiện có quá nhiều môn học. PGS.TS Nguyễn Văn Khôi (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Không nên coi đây là môn học độc lập trong trường phổ thông mà nên tích hợp vào các nội dung giáo dục hiện có, điển hình như môn công nghệ. Còn về giáo viên, nếu tính mỗi trường có 1 giáo viên dạy môn này thì cả nước cần thêm khoảng 2.000 người. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, các trường khó có thể dành hẳn một biên chế để đảm nhiệm nội dung này, vì vậy, khả thi nhất là nên tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện có.

PGS.TS Lê Huy Hoàng (ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận định: Ở cấp học phổ thông, có 3 nội dung quan trọng mà chúng ta chưa làm tốt và chưa nhận được sự quan tâm cần thiết từ phía các cấp quản lý và xã hội, đó là giáo dục công nghệ, GDKD và hướng nghiệp. Phần lớn giáo viên đảm nhiệm hướng nghiệp hiện nay đều trái ngành, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dành cho nội dung giáo dục này còn lạc hậu. Vì vậy, việc đào tạo GV cũng nên triển khai theo hướng này, vừa hiệu quả và tránh lãng phí.

aThứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, có 2 cách làm: Một là, GDKD được tích hợp vào các bộ môn giáo dục trong nhà trường từ nhỏ. Hai là, nếu tách thành chủ đề tự chọn thì phải đưa mục tiêu là dạy cho HS THPT, GDKD sẽ là chủ đề tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới. Các trường cần có sự liên kết với các doanh nghiệp chặt chẽ để HS được thực hành, giúp sinh viên có kỹ năng vận dụng tốt trong thực tiễn.