Cần thiết cho trẻ đi học

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 21/2, Hà Nội sẽ cho phép học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận đi học trực tiếp. Chuyên gia y tế cho rằng, việc cho trẻ đi học là cần thiết bởi trẻ nghỉ học quá dài, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Chúng ta cần linh hoạt, đổi mới để thích ứng với dịch bệnh trong điều kiện mới.

Đến trường là cần thiết

Ngày 15/2, UBND TP Hà Nội có Công văn số 432 về việc cho học sinh tiểu học và lớp 6 thuộc 12 quận trở lại trường học. Theo đó, bắt đầu từ ngày 21/2/2022 (thứ Hai), Hà Nội sẽ cho phép học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận đi học trực tiếp sau một thời gian dài học trực tuyến tại nhà, song song với các biện pháp an toàn, nhà trường và phụ huynh cũng cần chuẩn bị cho các em tâm thế sẵn sàng, tránh gây hoang mang.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian vừa qua, trẻ đã nghỉ học quá dài, cần phải được đến trường. Việc học sinh đến trường vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Cùng với đó, học trực tuyến kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng, trẻ không được tới trường trong một thời gian dài không chỉ bị thiếu kiến thức, mà còn có thể mắc các bệnh không lây nhiễm như trầm cảm, nghiện trò chơi điện tử… Trẻ phải có sự tương tác với bạn bè và thầy cô giáo thì mới phát triển cả thể chất và tinh thần. Hậu quả và hệ lụy của việc trẻ em không được đến trường, không được tương tác giữa trẻ với trẻ, tương tác giữa trẻ với thầy cô sẽ gây ra các khiếm khuyết về tinh thần và thể chất. Vì vậy, cần cho trẻ đi học trực tiếp vì sự phát triển thể chất, tâm lý và trí tuệ của trẻ.

“Hiện nay, số lượng ca mắc cộng đồng tăng cao, ở nhà mà không phòng bệnh tốt thì trẻ cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Nếu trẻ đi học, phòng bệnh tốt, ở trường chưa chắc bị nhiễm nhiều hơn ở nhà. Vì vậy, việc cho trẻ tới trường, đi học trực tiếp là cần thiết” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Cần thiết cho trẻ đi học. Ảnh: Thanh Bình
Cần thiết cho trẻ đi học. Ảnh: Thanh Bình

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, hiện nay, chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát dịch hiệu quả, chuyển từ chiến lược Zero Covid-19 sang chiến lược chấp nhận có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chúng ta vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa làm kinh tế, vì vậy, cho trẻ đến trường cũng phải thích ứng để việc học của trẻ không bị gián đoạn. Điều đó, cũng có nghĩa, việc chấp nhận trẻ đi học có thể bị lây nhiễm. Tuy nhiên, trẻ nhiễm Covid-19 ở thể nhẹ, triệu chứng nhẹ. Chúng ta cũng phải tính đến rủi ro giữa việc trẻ đi học và ở nhà. Việc trẻ đi học vẫn lợi hơn rất nhiều kể cả về vấn đề kiến thức lẫn sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Để trẻ đi học an toàn

Theo chuyên gia, trẻ đi học trở lại sau thời gian dài ở nhà học trực tuyến, cha mẹ cần trang bị cho con các kỹ năng biết tự bảo vệ mình và xem đây là cơ hội để thích ứng với bối cảnh mới. Để trẻ đi học được an toàn, cha mẹ, gia đình cho trẻ đi học thực hiện đầy đủ những quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đã hướng dẫn như đeo khẩu trang từ nhà đến trường và ngược lại, thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Nhà trường không nên cho các lớp tiếp xúc với nhau, chỉ nên tương tác với học sinh và cô giáo trong lớp… Trẻ bị mắc lúc nào chúng ta xử lý lúc đó, không nên cho cả trường nghỉ học khi phát hiện học sinh F0.

Đối với nhà trường, phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh an toàn cho học sinh và giáo viên. Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh an toàn trong các nhà trường, quy định khi nào thì trường có thể cho trẻ học trực tuyến, khi nào vừa trực tuyến vừa trực tiếp.

Theo Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, ngoài việc tổ chức và thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT còn cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường và cơ quan y tế để hỗ trợ trẻ đi học an toàn. Khi trẻ bị sốt, ho, khó thở phải khai báo y tế, cho trẻ nghỉ học và điều tra dịch tễ. Đặc biệt, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, từ tiêm vaccine Covid-19 cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ.

“Chúng ta cần xác định đúng F0, F1 để cho trẻ nghỉ học, không bị gián đoạn. Gia đình có F0, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ học để điều tra dịch tễ và khai báo y tế đúng quy định. Nếu trẻ mắc Covid-19 nhẹ, phụ huynh cho trẻ cách ly tại nhà. Nếu trẻ chưa thể tự cách ly một mình, cha mẹ, người thân cách ly cùng trẻ. Nếu trẻ có triệu chứng nặng, cha mẹ phải đưa đến cơ sở y tế” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu, Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ mới ban hành (Nghị quyết 128) đề cao tinh thần sống chung, không e ngại, không sợ hãi trước dịch bệnh. Việc đi học của trẻ là cần thiết bởi trẻ nghỉ học quá dài, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Đặc biệt trẻ nhỏ học qua online ảnh hưởng đến tinh thần, chất lượng học tập, đặc biệt là thần kinh, mắt và ảnh hưởng lâu dài sau này.

Thực tế, trên thế giới, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, các nước Nhật Bản cùng một số nước khác vẫn cho trẻ đến trường. Trong khi đó, trẻ em ít bị nhiễm Covid-19. Nếu bị mắc Covid-19, trẻ cũng bị ở thể nhẹ, trừ những trẻ có bệnh nền, trẻ suy giảm miễn dịch. Do đó, việc cho trẻ đi học trực tiếp là cần thiết.

Một vấn đề nữa là, trẻ em đi học an toàn hơn ở nhà. Bởi ở nhà, ngoài những tai nạn sinh hoạt, trẻ em có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ người nhà trong gia đình hoặc trẻ em đi chơi cũng có thể bị nhiễm Covid-19.

Để trẻ đi học được an toàn, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, nhà trường phải có kế hoạch cụ thể ứng phó với dịch Covid-19, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, vệ sinh trường học, có những biện pháp, kế hoạch ứng phó khi có trường hợp F0. Học tập trong điều kiện ứng phó linh hoạt, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

“Gia đình chuẩn bị cho trẻ kết nối với nhà trường, thông báo khi trẻ mắc bệnh để nhà trường có biện pháp ứng phó kịp thời. Khi có F0, nhà trường, gia đình, địa phương, y tế cơ sở cùng phối hợp, có thể cho trẻ điều trị tại nhà hoặc điều trị tại cơ sở. Cha mẹ cần tập cho trẻ ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên vì trẻ thường có thói quen cầm nắm đồ vật, đưa tay lên mắt, mũi, miệng, là con đường xâm nhập của virus vào cơ thể.

Phụ huynh cần nhắc nhở trẻ rửa tay khi đến lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, lúc về nhà, sau khi chơi đồ chơi và đeo khẩu trang.  

Việc thường xuyên đeo khẩu trang trên đường đi học, trong lớp, vào giờ ra chơi... cần được cha mẹ cần khích lệ, động viên và hướng dẫn trẻ sử dụng khẩu trang đúng cách.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ phải chủ động khai báo nếu con có các biểu hiện ho, sốt, khó thở và cho con nghỉ học ở nhà nếu bị ốm hoặc có biểu hiện bệnh đường hô hấp” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Một trong những biện pháp phòng dịch được các chuyên gia y tế đặc biệt chú trọng, đó là tăng cường thể lực để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo các chuyên gia, để tăng sức đề kháng, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ về chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh như uống đủ nước, bổ sung các thực phẩm giàu protein. Tăng cường thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc trong bữa ăn hàng ngày không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn tăng sức đề kháng, giúp trẻ chống lại những virus gây bệnh. Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.

Sức đề kháng tốt là then chốt để bảo vệ cơ thể mỗi người khỏi tác động của môi trường và nguy cơ bệnh tật. Cùng với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cũng cần tập cho trẻ lối sống lành mạnh như: Đảm bảo ngủ đủ giấc, đúng giờ, rèn luyện cơ thể thường xuyên, tắm nắng để hấp thụ vitamin D.