Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thiết đưa quy hoạch nông nghiệp vào Luật Thủ đô sửa đổi

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 8 năm đi vào thực tiễn cuộc sống, Luật Thủ đô 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một trong những nội dung cấp thiết cần sửa đổi, bổ sung là vấn đề quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm cả đất ven bãi sông.

Cần xác định khu vực phát triển nông nghiệp ổn định

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Hà Nội là đô thị đặc biệt, có đặc điểm về tự nhiên, kinh tế - xã hội mang tính đặc thù so với các đô thị lớn trong nước và thế giới. Là Thủ đô, nhưng diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số; trong khi tổng số lao động nông nghiệp chiếm khoảng 30% tổng số lao động toàn TP.

“Đô thị hoá, công nghiệp hoá của Hà Nội đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Vì vậy để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân hiệu quả, bền vững, cần có quy hoạch nông nghiệp tổng thể chi tiết cho giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2050…” - thạc sĩ Nguyễn Văn Chinh khuyến nghị.

Thu hoạch lúa tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Thu hoạch lúa tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho rằng, cần phân định rõ đâu là không gian phát triển đô thị, nơi nào phát triển khu công nghiệp, khu vực nào dành cho dịch vụ Thủ đô, từ đó xác định khu vực phát triển nông nghiệp ổn định, lâu dài.

“Những làng xã hiện tại và tương lai lâu dài vẫn phải là vùng nông thôn phát triển. Có định hướng như vậy mới tránh tình trạng làng làng chờ đợi, nhà nhà mong chờ, lo lắng xã ta sắp lên phường, cánh đồng làng ta sắp thành khu công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ…” - thạc sĩ Nguyễn Văn Chinh bày tỏ quan điểm.

Sau nhiều năm kiến nghị, vẫn phải chờ… quy hoạch

Định hướng phát triển nông nghiệp Hà Nội được xác định theo hướng ứng dụng công nghệ cao; kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất - bảo quản - chế biến với thị trường tiêu thụ để đạt giá trị kinh tế cao và bền vững. Để phát triển một nền nông nghiệp như vậy, không thể sản xuất ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, việc quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tập trung với quy mô phù hợp là đòi hỏi cấp thiết đặt ra.

Chăm sóc cây quất cảnh tại vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Tàm Xá (huyện Đông Anh). Ảnh: Lâm Nguyễn.
Chăm sóc cây quất cảnh tại vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Tàm Xá (huyện Đông Anh). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nông nghiệp cần là một trong những nội dung được kết cấu trong Luật Thủ đô sửa đổi. Cùng với tăng cường phân cấp trong quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, các cấp bộ ngành cũng nên nghiên cứu, giao quyền cho Hà Nội được quyết định sử dụng đất ngoài đê sông Hồng để phát triển kinh tế nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đất màu mỡ này.

Thông tin thêm về vấn đề quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong những năm qua, đơn vị đã tham mưu, xây dựng nhiều quy hoạch chuyên ngành. Các quy hoạch này đều cần thiết để làm định hướng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch thì các nội dung quy hoạch chuyên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội đều là thành phần trong phương án quy hoạch và được nghiên cứu khi lập quy hoạch Thủ đô. Chính vì vậy hiện nay, các phương án quy hoạch của ngành NN&PTNT vẫn chưa được triển khai.

Theo ông Chu Phú Mỹ, những bất cập trên làm ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội. Do đó, việc đưa quy hoạch nông nghiệp vào Luật Thủ đô sửa đổi là cần thiết, nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp Hà Nội phát triển theo định hướng mà TP đã đề ra. 

 

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Chinh, hiện tại ở vùng ngoài đê sông Hồng, Hà Nội vẫn còn quỹ đất hàng vạn héc-ta chưa sử dụng, hoặc được sử dụng chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do vướng mắc liên quan đến Luật Đê điều hiện hành, khiến việc thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nếu có thể điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ phù hợp với thực tiễn, quỹ đất ngoài đê sông Hồng sẽ là tiềm năng rất lớn cho phát triển nông nghiệp Hà Nội.