Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần Thơ: Chỉ đạo gỡ khó cho những dự án trọng điểm

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bí thư Cần Thơ ông Lê Quang Mạnh chia sẻ: Dự án khó khăn nhất hiện nay là dự án đường vành đai phía Tây. Vấn đề lớn nhất của dự án này là cân đối nguồn vốn thực hiện và cách tổ chức công việc.

Thành ủy -và UBND TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo các sở - ngành, quận - huyện nhằm giải quyết ách tắc trong các khâu để những dự án trọng điểm trên địa bàn hoàn thành đúng tiến độ.

Gấp rút giải phóng mặt bằng

Bí thư Thành ủy Cần Thơ ông Lê Quang Mạnh vừa chủ trì cuộc họp về tiến độ thực hiện triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố. 

Tại cuộc họp, Thường trực UBND thành phố và lãnh đạo các địa phương báo cáo tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án trên địa bàn.

Cụ thể, về Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ, đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt chi phí bồi thường cho 416 trường hợp, đã chi trả 618 tỉ đồng đền bù cho 392 trường hợp; bố trí và dự kiến bố trí tái định cư cho 505 trường hợp; bàn giao mặt bằng 3,2 km; đấu thầu 4 gói thầu xây lắp và đang triển khai thi công khi có mặt bằng...

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ, đến nay đã khảo sát mỏ vật liệu và bãi đổ thải; triển khai lập thiết kế kỹ thuật; đã bố trí vốn ngân sách địa phương cho dự án trong năm 2023 là 1.000 tỉ đồng.

Về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang đã chi trả đền bù được 320 trường hợp với 25,2ha; đã phê duyệt 96 nền tái định cư cho 74 hộ.

Đường Vành đai phía Tây ở Cần Thơ khởi công vào tháng 11-2022, hiện còn chờ mặt bằng để thi công.
Đường Vành đai phía Tây ở Cần Thơ khởi công vào tháng 11-2022, hiện còn chờ mặt bằng để thi công.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, các khu tái định cư ở quận huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa áp giá nền nên chưa đủ điều kiện bàn giao làm ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo khái toán sơ bộ của các địa phương (theo giá đất 2022) kinh phí cho toàn bộ dự án Vành Đai phía Tây dự kiến tăng. 

"Trong năm 2023, số vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành Đai phía Tây là 225 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu của dự án. Do chưa điều chỉnh được tổng mức đầu tư nên chỉ tập trung giải phóng mặt bằng cho các gói thầu đã triển khai. Bên cạnh đó, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng còn chậm. Cụ thể là tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt công trình hạ tầng kỹ thuật như cáp viễn thông, cấp nước, đường dây điện trung thế, hạ thế.", ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT nói.

Đẩy nhanh tiến độ

Theo ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy Cần Thơ, số giải ngân cho các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố là rất thấp. Do đó, ông đề nghị đầu mối tổ công tác cập nhật lại tiến độ, kế hoạch của từng dự án, tỉ lệ vốn giải ngân trong tuần và tiến độ giải quyết các vướng mắc.

Đối với từng dự án cụ thể, Bí thư Cần Thơ cho rằng “dễ nhất” là dự án cao tốc phía Đông, Cần Thơ – Cà Mau. Hiện dự án này đang chờ Bộ GTVT duyệt sớm cho Ban Mỹ Thuận tổng mức đầu tư, để làm sao thành phố có tiền bồi thường cho người dân để có mặt bằng sớm. Ông đề nghị UBND thành phố phối hợp với Bộ GTVT để giải quyết sớm vấn đề này.

Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, dự án khó khăn nhất hiện nay là Dự án đường Vành đai phía Tây. Việc đầu tiên đối với dự án này là rà lại chính xác mức đầu tư và chi phí cần phải có cho từng km trên dự án này là bao nhiêu, tiền trong túi có bao nhiêu, gói thầu nào đã trao rồi, gói nào chưa trao, chủ đầu tư báo cáo UBND TP quyết định xem làm gì trước và làm gì sau.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố cần rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố để điều chuyển vốn cho các dự án, ưu tiên cho các công trình dự án trọng điểm cấp bách và có tiến độ triển khai nhanh.

Để triển khai Dự án Vành đai phía Tây, đảm bảo đưa vào khai thác sử dụng đúng thời gian dự kiến (trong năm 2025), ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo chủ đầu tư và các quận, huyện phải xây dựng kế hoạch chi tiết trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án từng tháng và phân công nhiệm vụ rõ ràng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vấn đề phát sinh. 

"Do túi tiền của chúng ta có giới hạn nên khi quyết định bồi thường phải tính toán, không để đã có quyết định bồi thường rồi mà tiền không có. Hơn nữa, chúng ta không phê duyệt đại trà mà ưu tiên những vị trí cần mặt bằng trước”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh.