Cần Thơ: Linh hoạt phương án dạy học ứng phó với đợt triều cường mới

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, triều cường tháng 10 âm lịch sẽ đạt đỉnh từ 26 - 28/10, mực nước vượt mức báo động III.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, những ngày qua, mực nước trên các sông rạch tiếp tục lên nhanh và cao theo triều cường tháng 10 âm lịch, đỉnh triều cường cao nhất hàng ngày hiện đã vượt lên mức báo động III từ 0,05 - 0,06mm.

Đợt triều cường này được dự báo có đỉnh triều cao xấp xỉ kỳ triều cường rằm tháng 9 cách đây 2 tuần. Ảnh: Minh Trung
Đợt triều cường này được dự báo có đỉnh triều cao xấp xỉ kỳ triều cường rằm tháng 9 cách đây 2 tuần. Ảnh: Minh Trung

Dự báo mực nước đỉnh triều trên các sông rạch tại TP Cần Thơ tiếp tục lên cao và khả năng đạt đỉnh trong các ngày 26/10 - 28/10. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong đợt triều cường này có khả năng lên đến mức 2,2 - 2,25m, cao hơn mức báo động III từ 0,20 - 0,25m, xấp xỉ đỉnh triều cường rằm tháng 9 âm lịch vừa qua. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày vào lúc sáng sớm từ 5 - 7 giờ và chiều tối lúc 16 - 18 giờ.

Đây cũng là đợt có đỉnh triều cường lên mức rất cao, cần chú ý đề phòng trong thời gian triều cường lên, kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng trên diện rộng.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đề nghị các đơn vị linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Ảnh: Minh Trung
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đề nghị các đơn vị linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Ảnh: Minh Trung

Trước tình hình được dự báo trên, Sở GD&ĐT Cần Thơ vừa có công văn đề nghị Phòng GD&ĐT quận, huyện; các cơ sở giáo dục trực thuộc; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận, huyện tiếp tục chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của các đợt triều cường trong tháng 10 âm lịch.

Cụ thể, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị từ ngày 26/10 - 28/10/2022, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và nhu cầu của phụ huynh học sinh, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp (dạy học trực tuyến, hướng dẫn học tập tại nhà, hoặc dạy học trực tiếp hay điều chỉnh thời gian đến trường và tan học), đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non, học sinh, học viên và giáo viên.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nội dung chỉ đạo của Sở GD&ĐT trước đó về việc chủ động, tăng cường chỉ đạo công tác chống ngập lụt trong đợt triều cường vào tháng 9 âm lịch và Công văn số 3000/SGDĐT-CTTT về việc sẵn sàng các biện pháp ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022. 

 

Lý giải về tình trạng ngập nặng tại Cần Thơ, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho biết, mực nước thực đo ở Cần Thơ là tổng của 3 thành phần gồm: Nước thủy triều, nước lũ sông Mê Kông từ thượng nguồn chảy về và nước mưa nội vùng.

Nước thủy triều Biển Đông dao động theo chu kỳ ngày, tháng, và năm. Trong 1 ngày có 2 lần nước lớn, nước ròng. Trong 1 tháng có 2 lần nước ròng là kỳ rằm và ba mươi hàng tháng âm lịch, mỗi đợt khoảng 4 - 5 ngày. Trong các ngày nước ròng thì giờ nước lớn là cao nhất. Trong một năm âm lịch thì nước ròng tháng 8 đến tháng 2 năm sau là cao nhất.

Nhưng chỉ riêng nước ròng thì không đủ để làm ngập TP. Do đó Cần Thơ chỉ rủi ro ngập vào tháng 8 đến tháng 9 âm lịch khi có thêm nước lũ Mê Kông về và có mưa nội vùng góp vào. Vì vậy, nội ô Cần Thơ mỗi năm ngập 3 hoặc 4 lần, mỗi lần từ 3 - 4 ngày, mỗi ngày 2 lần theo giờ nước lớn.