70 năm giải phóng Thủ đô

Cẩn trọng không thừa

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán Canh Tý.

Đây là thời gian cao điểm của các hoạt động, sản xuất buôn bán, kinh doanh… một khối lượng hàng hóa lớn để phục vụ thị trường Tết, nhất là các hàng hóa dễ cháy như quần áo, vàng mã, hương đèn, cũng đồng nghĩa với nguy cơ về những tai nạn, sự cố trong đó có nguy cơ cháy nổ luôn rình rập.
Ngay trong những ngày đầu năm 2020, nhiều vụ cháy đã xảy ra, gây thiệt hại về tài sản và sinh mạng của người dân. Theo thống kê của cơ quan chức năng, những địa điểm dễ xảy ra cháy nổ thường là chợ, trung tâm thương mại, kho hàng, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở karaoke...
Nguyên nhân xảy ra cháy nổ là do sắp xếp hàng hóa không bảo đảm an toàn, không kiểm tra sửa chữa, thay mới kịp thời những thiết bị điện. Càng ở những nơi tập trung đông người như các điểm vui chơi, giải trí, đền, chùa, di tích lịch sử... nguy cơ xảy ra cháy nổ càng cao. Đó là chưa kể những căn nhà ống, vừa là nơi ở, vừa là nơi sản xuất thường thấy ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì nguy cơ tiềm ẩn càng lớn.
Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội đã tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng chống cháy nổ. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn với 100% lực lượng ứng trực, sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, đảm bảo cho Nhân dân đón Tết yên vui, an toàn.
Những ai từng đi trên đường phố Hà Nội thời gian qua hẳn đã rất quen với lời nhắc của Công an TP về những biện pháp cần thực hiện để phòng chống cháy nổ, đặc biệt là ở mỗi gia đình được phát thường xuyên trên loa phóng thanh tại các nút giao thông. Trong đó, việc tắt các nguồn điện khi không dùng đến, cẩn trọng khi thắp hương, đốt vàng mã… luôn được nhấn mạnh.

Có thể thấy đó là sự khuyến cáo cần thiết nếu chúng ta biết rất nhiều vụ cháy trong số hàng nghìn vụ cháy lớn nhỏ xảy ra trong năm 2019 là do sự cố về điện, trong đó có những vụ cháy gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chỉ riêng ở Hà Nội đã có thể kể đến vụ cháy kinh hoàng khiến 8 người tử vong xảy ra rạng sáng ngày 12/4, tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Rồi vụ cháy bùng phát rạng sáng ngày 1/12, tại một ngôi nhà trên đường Nguyễn Chính (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) khiến 3 bà cháu tử vong. Đặc biệt là vụ cháy nhà kho Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông tại phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội ngày 28/8, gây thiệt hàng trăm tỷ đồng, cùng sự tổn hại nghiêm trọng đến môi trường bởi một lượng không nhỏ thủy ngân phát tán. Cả 3 vụ cháy trên đều do sự cố về điện!
Cũng cần nhắc lại rằng, nguyên nhân các vụ cháy tháng cuối năm thường xuất phát từ sự chủ quan của người dân như không kiểm tra, tắt các thiết bị điện trước khi đi ngủ hoặc trước khi rời khỏi nhà, bất cẩn khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã. Từ thực tế trên, có thể thấy cùng với sự tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa của các lực lượng chức năng, việc nâng cao ý thức phòng chống, thực hiện các biện pháp phòng chống của mỗi gia đình, mỗi người dân, mỗi cơ quan để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ cháy nổ là vô cùng cần thiết.

Cẩn trọng là không thừa! Hơn bao giờ hết, vào thời điểm năm hết Tết đến này, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, cần ý thức sâu sắc, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ. Chỉ có như vậy, mỗi người, mỗi nhà mới thực sự đón một cái Tết vui tươi, ấm áp, an lành!