Cẩn trọng với hình thức chào mời ký kết "hợp đồng đầu tư trái phiếu"

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết "Hợp đồng đầu tư trái phiếu" với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự không được coi là chủ sở hữu trái phiếu.

Theo Bộ Tài chính, việc xử lý một số vụ việc vi phạm gần đây không đại diện cho toàn bộ thị trường (Ảnh minh họa- Nguồn: Internet)
Theo Bộ Tài chính, việc xử lý một số vụ việc vi phạm gần đây không đại diện cho toàn bộ thị trường (Ảnh minh họa- Nguồn: Internet)

Kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, thị trường trái phiếu DN (TPDN) là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của DN, theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

“Việc xử lý một số vụ việc vi phạm gần đây không đại diện cho toàn bộ thị trường. Về tổng thể, việc xử lý các vi phạm không làm thu hẹp thị trường và mục tiêu phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán của Đảng và Nhà nước, không ngăn cản hoặc tạo thêm rào cản trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thị trường; việc xử lý các vi phạm là để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững và hiệu quả, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường” - đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Năm 2021, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng giá trị TPDN đăng ký phát hành đạt 837.128 tỷ đồng và giá trị thực tế phát hành đạt 640.080 tỷ đồng, tăng 37,11% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng). Trong quý 1/2022, tổng giá trị đăng ký phát hành là 82.180 tỷ đồng, tổng giá trị thực tế phát hành là 110.237 tỷ đồng.

Như vậy, trong năm 2021 và quý 1/2022, tổng giá trị đăng ký phát hành là 919.308 tỷ đồng, tổng giá trị thực tế phát hành là 750.317 tỷ đồng, trong đó, phát hành riêng lệ đạt 710.685 tỷ đồng (chiếm 94,7%) và phát hành ra công chúng đạt 39.632 tỷ đồng.

Đầu tư trái phiếu - nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Với các nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, thị trường TPDN riêng lẻ là thị trường cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN. Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao. Việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.

Nhà đầu tư phải hiểu rõ quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Theo đó, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.

Khi mua trái phiếu các nhà đầu tư phải tiếp cận đầy đủ nội dung công bố: Thông tin của doanh nghiệp phát hành, tổ chức môi giới, phân phối trái phiếu, hiểu rõ về điều kiện, điều khoản trái phiếu, mục đích phát hành, thông tin tài sản đảm bảo, các cam kết của chủ thể phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu. Không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cáp cung dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết "Hợp đồng đầu tư trái phiếu" với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự không được coi là chủ sở hữu trái phiếu hoặc theo các hình thức đầu tư khác không rõ ràng theo quy định của pháp luật là hết sức rủi ro, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.

Nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu, tổ chức đại diện chủ sở hữu trái phiếu giám sát tình hình tài chính, tình hình sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành thông qua công bố thông tin của DN và giám sát thực tế (nếu cần thiết). Trường hợp DN phát hành có dấu hiệu sử dụng vốn sai mục đích phải đề nghị DN phát hành có báo cáo, giải trình, biện pháp khắc phục; trường hợp có dấu hiệu gian lận, cần báo cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Thêm nhiều giải pháp ổn định thị trường

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ thị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra chuyên ngành đối với hoạt động giao dịch, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, khẩn trương báo cáo khi phát hiện các vi phạm và xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Sau 1 năm triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường TPDN bền vững.

Một số chính sách đang đề xuất bao gồm: Thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành; Hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, ngân hàng quản lý tài khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu.

Quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các TPDN có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; Bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và Bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chinh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp. Hiện nay, Nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.

Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng Thông tư giao dịch trái phiếu riêng lẻ, rà soát để sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán. Bao gồm: khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ (tư vấn phát hành, đại lý, đấu thầu, bảo lãnh, đăng ký, lưu ký trái khung khổ pháp phiếu và đại diện người sở hữu trái phiếu) để tiếp tục hoàn thiện lý, tăng cường tính công khai minh bạch và giảm thiểu các rủi ro đối với thị trường TNDN.