Cẩn trọng với thực phẩm ở chợ online

Theo Ngọc Minh/Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô
Chia sẻ Zalo

Việc mua, bán các mặt hàng thực phẩm qua các trang mạng xã hội, chợ online ngày càng trở nên phổ biến.

Chất lượng có như quảng cáo?

Thời tiết nắng nóng, công việc bận bịu nên từ lâu chị Nguyễn Thu Phương (quận Long Biên, Hà Nội) quen với việc mua đồ ăn, thức uống qua các trang thương mại điện tử thay vì đến chợ dân sinh truyền thống.

“Từ rau, hoa quả đến thịt, cá, hải sản tươi sống, chỉ cần 1 cú click chuột, bạn có thể mua được mọi thứ. Các mặt hàng thực phẩm online nhiều khi còn đa dạng và phong phú hơn cả chợ truyền thống”, chị Phương cho biết.

Cẩn trọng với thực phẩm ở chợ online - Ảnh 1
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, người dân cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online. Ảnh minh họa

Với phương thức thanh toán đơn giản, giao hàng nhanh gọn, các bà nội trợ được giải phóng khỏi công cuộc đi chợ. Tuy nhiên, ở chợ dân sinh truyền thống, người nội trợ được lựa chọn, mặc cả theo hình thức “thuận mua vừa bán”.

Khi mua thực phẩm online, hầu hết các bà, các chị đều lựa chọn thực phẩm dựa trên hình ảnh được chụp và đưa lên mạng theo cảm tính. Do đó, nhiều người “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi nhận sản phẩm không ưng ý.

Từng “nuốt quả đắng” khi mua hàng online, chị Minh Thư (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Theo quảng cáo trên mạng của chủ shop, giống bơ là bơ 034 rất ngon, cùi dày, dóc hạt xanh mịn mướt mắt. Tuy nhiên, khi hàng giao đến nơi tôi mới ngã ngửa ra. Những quả bơ vừa bé, vừa non, bị chín ép do thời tiết nắng nóng. Ăn vào thì đắng ngắt. Tôi phản hồi lại thì chủ cửa hàng chặn luôn Facebook”.

Nhiều người tiêu dùng khác cũng gặp tình huống “treo đầu dê, bán thịt chó” tương tự khi mua hàng online. Đó có thể là hoa quả, đồ ăn nhanh rồi đến cả con gà, con vịt. Vì mua trực tuyến nên khi “tiền trao, hàng nhận”, khách hàng thường không nhận được sự hỗ trợ, đền bù, đổi trả nếu món hàng không giống như quảng cáo.

Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm đưa lên mạng đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Mọi câu từ quảng cáo đều được cân nhắc để hút khách bằng giá cả, ưu đãi... Người bán chỉ để lại thông tin sản phẩm, số điện thoại đặt hàng và nhận giao hàng đến khách.

Nâng cao nhận thức khi mua hàng online

Hiện nay, hình thức mua bán trực tuyến trên trang web thương mại điện tử, mạng xã hội thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi do sự đa dạng và tiện dụng. Tuy nhiên, phần lớn mặt hàng rao trên mạng xã hội không bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể hoặc không có hóa đơn, chứng từ...

Do đó, nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua mua bán online khi được phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không đủ cơ sở để xử lý.

Đặc biệt, hầu hết các cơ sở bán thực phẩm online đều kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Chính vì vậy, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm chế biến sẵn được bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm...

Khi mua hàng trực tiếp, người tiêu dùng có thể tận mắt nhìn thấy việc chế biến, đóng gói và sản xuất của cơ sở, nhưng nếu mua hàng online thì không thể biết được việc này. Trên các trang mạng, lời quảng cáo sản phẩm luôn khẳng định đảm bảo chất lượng vì được lấy từ các nhà cung cấp lớn, nhưng khách hàng thường quên kiểm soát việc này. Cứ thấy bắt mắt, giá cả phải chăng là mua.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt điều tra, theo dõi và xử lý những địa chỉ bán hàng thực phẩm online không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tuy nhiên, việc xử lý này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, thậm chí, rất khó khăn để xác định vì đại chỉ kinh doanh ghi trên mạng và địa chỉ thật lại hoàn toàn khác biệt.

Hơn nữa, trên thực tế, công tác quản lý, kiểm soát việc mua - bán online là rất khó khăn. Đôi khi, khách hàng mua phải thực phẩm kém chất lượng nhưng rất khó kiện.

Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, điều đầu tiên là người dân cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online. Khi chọn mua thực phẩm online nên chọn nơi uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Sau đó là chọn đơn vị vận chuyển, giao hàng chuyên nghiệp vì họ thường sẵn có dụng cụ bảo quản. Khi nhận hàng phải kiểm tra kỹ nơi sản xuất, hạn sử dụng.

Một kinh nghiệm khác người tiêu dùng cần lưu ý khi chọn thực phẩm online là nên chọn mua của những trang, người bán uy tín, nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực từ người dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần chọn địa chỉ bán hàng có chế độ bảo hành, giải quyết khiếu nại cho khách để hạn chế tối đa tình trạng mua phải thực phẩm “bẩn”, chất lượng không giống như quảng cáo ban đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần